Theo đó, Thông tư 09 đã bổ sung việc khám chuyên khoa phụ sản đối với lao động nữ kèm theo mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ theo quy định mới. Việc bổ sung khám chuyên khoa phụ sản như Thông tư 09 rất hữu ích, bảo đảm được quyền lợi của lao động nữ.
Cụ thể, tại sổ khám sức khỏe định kỳ, danh mục tiền sử sản phụ khoa gồm các thông tin như: Bắt đầu thấy kinh nguyệt năm bao nhiêu tuổi; tính chất kinh nguyệt; chu kỳ kinh; đau bụng kinh; đã lập gia đình; số lần mổ sản, phụ khoa, đang áp dụng biện pháp tránh thai…
Danh mục khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ gồm: Khám vùng bụng dưới và vùng bẹn; khám bộ phận sinh dục ngoài; khám âm đạo bằng mỏ vịt kết hợp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường; khám âm đạo phối hợp nắn bụng; khám trực tràng phối hợp nắn bụng.
Đặc biệt, trong danh mục này, lao động nữ còn được sàng lọc ung thư cổ tử cung, phát hiện sớm các tổn thương cổ tử cung bằng ít nhất một trong các kỹ thuật gồm: Nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch acid acetic; nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch Lugol; xét nghiệm tế bào cổ tử cung; xét nghiệm HPV.
Ngoài ra, lao động nữ cũng được sàng lọc ung thư vú bằng ít nhất một trong các kỹ thuật: Khám lâm sàng vú; siêu âm tuyến vú hai bên; chụp X-quang tuyến vú.
Lao động nữ được siêu âm tử cung, phần phụ khi có chỉ định của bác sĩ khám.
Theo thông tin từ Vụ Sức khỏe, bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành quy định: “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động” và “Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản”.
Tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng nêu rõ: “Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành”. Nghị định này cũng phân công Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ.
Trước đó, tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe, trong đó có ban hành danh mục khám các chuyên khoa nhưng chưa có danh mục khám chuyên khoa phụ sản. Do đó, việc bổ sung khám chuyên khoa phụ sản như Thông tư 09 rất hữu ích, bảo đảm được quyền lợi của lao động nữ.