Wednesday, 22:29 25/07/2018
Lào họp báo thông tin vụ vỡ đập thủy điện, tỉnh An Giang ra công điện ứng phó
Kinhtedothi - Theo dự báo, lượng nước từ vụ vỡ đập thủy điện khi về đến Việt Nam sẽ ảnh hưởng không đáng kể, nhưng đây đang là khoảng thời gian mùa lũ tại đồng bằng sông Cửu Long đến sớm kết hợp triều cường, cho nên khả năng gây ngập lụt cho các vùng trũng là rất lớn.
Sự cố nghiêm trọng nhất suốt hàng thập kỷ qua tại Lào
Liên quan đến sự cố vỡ đập Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy (Lào) và khả năng ảnh hưởng tới nước ta, chiều 25/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức cuộc họp khẩn. Theo đó, do mưa lớn dài ngày bởi ảnh hưởng của bão Sơn Tinh đã khiến lũ lụt trở nên nghiêm trọng ở nhiều khu vực của Lào. Sự cố xảy ra tại 1 đập phụ tại hồ Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy đang trong giai đoạn tích nước vào khoảng 20h ngày 23/7/2018. Đập Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy nằm trên 2 tỉnh Champasack và Attapeu, thuộc lưu vực sông Sekong. Trong đó đập Xe-Namnoy bị vỡ cao 73,7m, dài 1.600m, lưu vực 522km2, dung tích hồ chứa 1.043 triệu m3. Công trình được khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến bắt đầu phát điện thương mại vào năm 2019. Hiện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đã và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và tính toán về khả năng tác động tới Việt Nam; đồng thời liên hệ chặt chẽ với trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN, sẵn sàng gửi cán bộ kĩ thuật và lực lượng tham gia Nhóm đánh giá nhanh và ứng phó khẩn cấp của ASEAN để hỗ trợ Lào khi được yêu cầu.Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, do ảnh hưởng của vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy dòng chảy về đồng bằng sông Cửu long sẽ gia tăng, dự báo mực nước tại Tân Châu có thể gia tăng 7 - 10cm vào cuối tuần (27 - 28/7) so với điều kiện tự nhiên, như vậy không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ. Trong khi đó, hàng năm mực nước lũ trên đồng bằng sông Cửu long gia tăng tự nhiên đến giữa tháng 8/2018 và đạt đỉnh khoảng 3,2m tại Tân Châu.
Vị trí Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy |
Tỉnh An Giang chỉ đạo ứng phó sự cố vỡ đập thủy điện
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, trong 2 ngày qua (24 - 25/7), mực nước tại trạm Strung Treng (Campuchia) đã có sự gia tăng đáng kể, với biên độ lên trong 48h là 71cm. Hiện nay, mực nước vùng trung, hạ lưu sông Mê Kông đang lên. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, mực nước lúc 7h ngày 25/7 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu: 2,44m, trên sông Hậu tại Châu Đốc: 2m. Đến ngày 31/7/2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,6m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.Theo tính toán mất khoảng 3 - 4 ngày nữa lượng nước từ đập Thủy điện Xe-pian Xe-Namno mới về đến Việt Nam. Tuy được dự báo chỉ có thể gia tăng mực nước lên từ 7 - 10cm, nhưng đây đang là khoảng thời gian mùa lũ tại đồng bằng sông Cửu Long đến sớm, cho nên khả năng gây ngập lụt cho các vùng trũng là rất lớn.
Phối cảnh sau khi hoàn thiện của Thuỷ điện Xe-pian Xe-Namnoy |