Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lão nông lãi hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng mít không hạt

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ trồng và bán cây giống mít không hạt, ông Trần Minh Mẫn (tên thường gọi Út Mẫn), ngụ phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ một giống mít "lạ", ông Út Mẫn nắm bắt cơ hội vươn lên làm giàu và được mệnh danh là "cha đẻ" của loại mít không hạt tại Cần Thơ. Hiện vườn ông mít của ông có diện tích khoảng 4.000m2, trồng khoảng 280 gốc mít không hạt, mỗi năm ông Mẫn bán ra hàng tấn mít tươi với giá 25.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, ông Mẫn cũng đẩy mạnh cung cấp cây giống; trung bình mỗi năm ông bán khoảng 20.000 cây giống với giá giá 60.000 đồng/cây. 

Ông Út Mẫn bên cây mít không hạt của mình. Ảnh CTV
Ông Út Mẫn bên cây mít không hạt của mình. Ảnh CTV

Chia sẻ về cơ duyên biết đến giống mít "lạ" không hạt này, ông Út Mẫn kể: Năm 2010, ông được một người bạn ở Tiền Giang giới thiệu về một giống mít không hạt, múi và xơ có màu vàng, cơm dày, vị ngọt thanh nên có thể ăn cả xơ.

"Nhận thấy giống cơ hội làm giàu từ giống mít này nên tôi tức tốc qua Tiền Giang để chiết nhánh làm giống. Đợt đầu tiên, tôi trồng được 50 cây giống và trồng xen trong vườn sầu riêng. Sau khoảng hơn 2 năm trồng, mít bắt đầu cho rất nhiều trái, tôi bắt đầu nghĩ đến việc quảng bá thương hiệu cho loại mít này." - ông Út Mẫn nói.

Năm 2014 đánh dấu sự thăng hoa của giống mít lạ khi ông Mẫn đem sản phẩm của mình tham gia Hội thi Trái cây ngon - an toàn Nam Bộ và được ban tổ chức trao giải Nhất.

Sau hội thi trên, giống mít lạ của ông Mẫn đã chính thức được đặt tên: mít không hạt Ba Láng và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Mít không hạt của ông Út Mẫn ăn được cả xơ, khi xẻ trái ra gần như không có mủ. Ảnh CTV
Mít không hạt của ông Út Mẫn ăn được cả xơ, khi xẻ trái ra gần như không có mủ. Ảnh CTV

Ông Mẫn nói: Tôi đặt tên "Mít không hạt Ba Láng" vì mong muốn tri điền trả ơn cho vùng đất quê, quanh năm khí hậu ôn hòa, thiên nhiên ưu đãi. Ông bà, cha mẹ của tôi bao đời gắn với vùng đất này nên khi sở hữu giống mít lạ và trồng thành công tôi nghĩ ngay đến việc đặt tên gắn liền với địa danh Ba Láng."

 Theo ông Mẫn, mít không hạt thích hợp trồng ở vùng đất cao, đồi núi, còn trồng ở ÐBSCL phải đặc biệt lưu ý lên mô cao như trồng sầu riêng. Đặc biệt, hơn 10 năm qua, giống mít không hạt Ba Láng không chỉ được đặt hàng từ Nam chí Bắc mà còn được bán sang các nước bạn như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào,...

 

Sự nỗ lực của ông Mẫn những năm qua đã dược Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương ghi nhận và tôn vinh như danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; kỷ niệm chương Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam…