Lập cả nghìn công ty “ma” vay vốn, đáo nợ, tham ô
Chiều 5/3, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (theo điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999), còn có 85 bị cáo khác cùng bị xét xử với nhiều tội danh.
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn VTP - PV), trụ sở tại 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Quá trình hoạt động, Tập đoàn VTP đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp bao gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát - PV), trong đó Tập đoàn VTP giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thuê và nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty, được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau. Theo đó, nhóm định chế tài chính tại Việt Nam (SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú (Công ty Việt Vĩnh Phú - PV), trong đó SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính chính để cung cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn VTP.
Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm giữ cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên, như: Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông - PV) vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng...
Nhóm các công ty được gọi công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…
Mạng lưới công ty tại nước ngoài do Trương Mỹ Lan xây dựng nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” để đứng tên cổ phần và quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.
Cháu ruột, người thân cùng tham gia phạm tội
Tập đoàn VTP với ngành nghề kinh doanh chính: bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chủ, chủ sử dụng hoặc đi thuê; vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là Trương Huệ Vân (SN 1988, Tổng Giám đốc, cháu ruột của Trương Mỹ Lan), có 4 cổ đông, Trương Mỹ Lan giữ 60%; bà Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng, con gái của Trương Mỹ Lan) 10%; bà Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phẩn, con gái của Trương Mỹ Lan) 10%; Công ty CP Emerald, đại diện là Trương Huệ Vân 20%; HĐQT gồm 6 thành viên do Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch HĐQT.
Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát cùng địa chỉ Tập đoàn VTP, ngành nghề chính kinh doanh như Tập đoàn VTP; vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng; người đại diện theo pháp luật là Ngô Thanh Nhã - Tổng Giám đốc (em dâu Trương Mỹ Lan); có 4 cổ đông, trong đó Tập đoàn VTP 49%; bà Chu Duyệt Hằng 15,5%; bà Chu Duyệt Phấn 15,5%; Công ty CP Emerald 20%. HĐQT gồm 3 thành viên, ông Trương Chí Trung (em Trương Mỹ Lan) làm Chủ tịch HĐQT, ông Trương Lập Hưng và Trương Huệ Vân là thành viên HĐQT.
Công ty CP Tập đoàn Peninsula cũng ở địa chỉ trên, vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, gồm 10 cổ đông cá nhân và 21 cổ đông pháp nhân; người đại diện pháp luật là Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc (đã chết); HĐQT gồm: Trương Vincent Kinh, Chủ tịch và 2 thành viên (Kwok Hakman Oliver và Nguyễn Phương Anh).
Công ty Việt Vĩnh Phú tại số 8 Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1), do Tạ Chiêu Trung - Tổng Giám đốc làm đại diện pháp luật, vốn điều lệ 2.868 tỷ đồng; ngành nghề kinh doanh: tư vấn quản lý; trong đó, Trương Huệ Vân sở hữu cổ phần 50,50%; các công ty đều có quốc tịch British Virgin Islands, gồm: Prosperity Asia Capital Limited (19,50%), Công ty Lionyear International Limited (15%) và Công ty Magic Luck Group Limited (15%).
Tham ô hơn 304.096 tỷ đồng!
Kết quả điều tra xác định, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát còn có hơn nghìn công ty “ma” (không có hoạt động sản xuất kinh doanh) được Trương Mỹ Lan tổ chức thành lập để phục vụ việc đứng tên các khoản vay khống, đáo nợ ngân hàng, chuyển nhượng cổ phần…
Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB - PV), trụ sở chính tại số 19-25 Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) được thành lập ngày 26/11/2011, trên cơ sở hợp nhất ba Ngân hàng TMCP, gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Vốn điều lệ ban đầu thành lập là 10.583.801.040.000 đồng, đến nay vốn điều lệ là 15.231.688.100.000 đồng. Người đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT (theo từng thời kỳ), SCB có 1 Hội sở chính, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện tổng số tiền SCB huy động của người dân và vay của các cơ quan, tổ chức khác tại thời điểm 17/10/2022 là 673.586 tỷ đồng, gồm: 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng; 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá; 66.030 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước; 12.693 tỷ đồng tiền gửi và 6.756 tỷ đồng vay của các tổ chức tín dụng khác.
Kết quả kiểm toán độc lập tại SCB do Công ty Kiểm toán KPMG chi nhánh TP Hồ Chí Minh ngày 31/5/2023, xác định SCB và các công ty con tại ngày 30/9/2022 âm chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, thời gian từ ngày 1/1/2012 đến 17/10/2022, Trương Mỹ Lan trực tiếp và chỉ đạo, điều hành cán bộ, nhân viên chủ chốt tại SCB và Tập đoàn VTP thực hiện nhiều hành vi sai phạm để thao túng SCB, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, tham ô số tiền hơn 304.096 tỷ đồng.