Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập lại trật tự tại các trạm BOT: Không để kẻ xấu lợi dụng kích động, gây rối

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan công an và các địa phương cùng vào cuộc để lập lại an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các trạm BOT. Nhiều luật sư và chuyên gia đánh giá, đây là hành động quyết liệt và kịp thời để chấn chỉnh trật tự tại các trạm BOT.

Bộ GTVT đã nhận trách nhiệm
Trong buổi họp báo diễn ra chiều 18/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra những nguyên nhân dẫn đến phản ứng của các tài xế đối với các trạm BOT. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, ngoài hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư BOT chưa hoàn chỉnh, việc lựa chọn vị trí đặt trạm còn bất cập, chất lượng đường của các dự án BOT chưa tốt, tâm lý chưa sẵn sàng cho việc trả phí sử dụng đường bộ của người dân... còn có một nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng phức tạp tại các trạm BOT thời gian qua. Đó chính là sự xuất hiện của một số đối tượng lôi kéo, kích động lái xe phản ứng việc mua vé qua trạm và gây cản trở tài xế mua vé, đe dọa nhân viên bán vé.
 Các tài xế cần tỉnh táo, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo (Ảnh: Hoàng Hà).
Ông Thể dẫn chứng, theo ghi nhận tại các trạm BOT, có hiện tượng các đối tượng trên xuất hiện tại nhiều trạm BOT, dùng phương tiện qua lại nhiều lần với mục đích cản trở hoạt động của trạm, gây ùn tắc giao thông, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Hiện tượng trên đã được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và đề nghị cơ quan công an cùng vào cuộc xử lý, giải quyết.

Trong buổi họp báo, ghi nhận việc lãnh đạo Bộ GTVT dũng cảm nhận trách nhiệm về các dự án BOT. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm về hệ thống các trạm BOT và đang rà soát. Chính phủ đã giao trong năm 2018 phải giải quyết cơ bản các vấn đề BOT". Cùng với đó, ông Thể cho biết, Bộ sẽ cố găng khắc phục sớm bất cập liên quan đến các dự án BOT trong thẩm quyền. Quan điểm của Bộ là luôn trân trọng, lắng nghe kiến nghị của các tổ chức, DN, Nhân dân về điều chỉnh các mức giá sử dụng đường bộ hợp lý cho từng đối tượng sử dụng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.

Bộ Công an và các địa phương cùng vào cuộc

Trong Công điện 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 về đảm bảo ANTT tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và chính quyền các địa phương tăng cường đảm bảo ANTT tại các trạm BOT, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng cố tình gây rối, gây cản trở hoạt động của các trạm theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng khẳng định, hiện nay, tại một số dự án BOT giao thông còn tồn tại bất cập cần tập trung xử lý, nhưng có một số đối tượng đang lợi dụng bất cập để kích động, chống phá, gây mất ANTT và ATGT, làm ảnh hưởng đến chủ trương thu hút xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giao thông. Thủ tướng đánh giá, sự việc đã và đang xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy và một số trạm BOT khác đang diễn biến hết sức phức tạp, song chính quyền địa phương tại những nơi này vẫn chưa nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề, mà coi đó là nhiệm vụ của riêng ngành GTVT.

Từ những đánh giá trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất ANTT trên địa bàn. Lãnh đạo các địa phương phải có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội.
"Xã hội nào cũng có kẻ xấu, hay lợi dụng tình hình để kích động, gây rối, những đối tượng này phải xử lý nghiêm bằng pháp luật. Nhưng trước khi hoặc trong khi giải quyết, phải tìm hiểu cặn kẽ, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng sẽ làm đúng, từ đó cô lập những người làm tiêu cực. Nếu cứ để mọi chuyện lẫn lộn sẽ dẫn đến người tích cực thì mất niềm tin, trong khi kẻ tiêu cực thì được nước làm tới." - TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm BOT cho Bộ Công an để xử lý nghiêm, đồng thời hai Bộ này cần phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức giao thông khoa học hơn, cắm biển phân luồng, phân làn hợp lý tại các khu vực trạm thu giá để đảm bảo việc lưu thông thuận tiện.

Vẫn cần giải pháp lâu dài, triệt để

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, điểm quan trọng nhất khi làm rõ, xử lý những đối tượng này là làm thế nào để xác định ai là tài xế bình thường, ai là kẻ kích động, gây rối. “Lực lượng tài xế phản ứng tại các trạm BOT thời gian qua rất đông, nhưng không phải tất cả là người có động cơ xấu. Song cũng có một số tài xế đã bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động khiến họ vô tình trở thành người tiếp tay cho kẻ xấu. Các tài xế này cũng là bị hại” - luật sư Ứng nhận định.

Tuy nhiên, ông Ứng cho rằng, khi Thủ tướng giao cơ quan công an vào cuộc, thì chắc chắn những đối tượng xấu cố tình lợi dụng tình hình để lôi kéo, kích động, gây rối tại các trạm BOT sẽ bị xử lý nghiêm. “Khi cơ quan công an vào cuộc, thì người ta có đủ biện pháp nghiệp vụ để phân biệt thế nào là đối tượng kích động, có ý đồ xấu. Ngoài ra, hệ thống camera được trang bị tại các trạm, hoặc việc ghi hình bí mật của các chiến sĩ hóa trang, công tác quản lý địa bàn... cũng là những công cụ hỗ trợ hiệu quả để xác định đâu là kẻ xấu, đâu là người bị lợi dụng” - luật sư Ứng nói.

Trong khi đó, TS Vũ Đình Hiền (giảng viên ĐH GTVT) lại cho rằng, ngoài việc xử lý những đối tượng gây rối, kích động để đảm bảo ANTT, ATGT, cần có giải pháp lâu dài, triệt để để giải quyết các vấn đề ở BOT giao thông. “Những đối tượng cố tình kích động thì phải xử lý theo pháp luật, còn người dân có thắc mắc gì với BOT vẫn có quyền phản ánh, đề đạt. Vấn đề cốt lõi là phải để người dân hiểu, tin thì sẽ ủng hộ” - TS Vũ Đình Hiền bày tỏ. Theo ông Hiền, khúc mắc chính ở các dự án BOT hiện nay vẫn là câu chuyện công khai, minh bạch thông tin. Nguồn vốn đầu tư, vị trí đặt trạm, thời gian hoàn vốn, giá bán vé..., nếu được công khai, minh bạch, người dân thấy hợp lý sẽ không còn bức xúc. Điều này có thể nhận ra khi gần đây, dù nhiều trạm BOT giảm giá vé, nhưng vẫn bị phản ứng. “Khi mọi chuyện đã được sự minh bạch hóa, sòng phẳng, công khai thì người dân sẽ đồng cảm với nhà đầu tư. Vấn đề là có làm được điều đó hay không? Theo tôi, nếu chủ đầu tư giúp người dân hiểu thì họ sẵn sàng chia sẻ” - TS Vũ Đình Hiền phân tích.

Yêu cầu Uber, Grab niêm yết giá cước ngay trong quý I/2018

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã xác nhận thông tin nêu trên với báo Kinh tế & Đô thị. Theo đó, ngay trong quý I/2018, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND TP ra văn bản yêu cầu các hãng taxi công nghệ phải niêm yết công khai giá cước. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, hiện giá cước của taxi công nghệ, đặc biệt là Uber thay đổi liên tục, nhất là trong giờ cao điểm, khiến hành khách và cơ quan quản lý Nhà nước rất bị động. Do đó, cần yêu cầu các hãng này niêm yết giá cước như taxi truyền thống, nhằm minh bạch và đảm bảo lợi ích của người dân. Trong Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND của HĐND TP Hà Nội cũng đã quy định việc quản lý taxi công nghệ (Uber, Grab…) như taxi truyền thống. (Yến Dư)