Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường: Hài hòa lợi ích để duy trì bền vững

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ trương quyết liệt nhưng không khoa trương, lấy tuyên truyền là biện pháp chủ yếu, sau một một tháng lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, nhiều tuyến phố ở Thủ đô đã trở nên phong quang, gọn gàng.

Tuy vậy, đằng sau những kết quả ban đầu, nỗi lo tái vi phạm vẫn đang là một thách thức lớn đối với chính quyền các địa phương.

Kết quả tích cực bước đầu

Sau một tháng cao điểm ra quân lập lại trật tự đô thị theo Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 3/3 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, nhiều người cùng chung nhận xét, vỉa hè Hà Nội đã thực sự có một diện mạo mới, thông thoáng, gọn gàng và sạch sẽ hơn, mọi hoạt động dường như đã đi vào quy củ. Tại một số tuyến phố khu vực phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Điếu…, khách bộ hành có thể dễ dàng tản bộ trên vỉa hè để tham quan, mua sắm mà không bị cản trở bởi các loại phương tiện, hàng hóa.

Vỉa hè phố Hàng Bạc dành phía trong cho người đi bộ nhưng do quá hẹp nên vẫn có người đi trên vỉa hè và còn rất nhiều người đi dưới lòng đường.  Ảnh: Vũ Cúc

Một điểm đáng chú ý là hầu hết những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè trước đây đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Trên các tuyến đường thuộc các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng…, nhiều hộ gia đình đã chủ động tự phá dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè. Không những cơ sở kinh doanh, bán hàng ăn, quán nước lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bị xử lý, mà nhiều bãi trông xe sai phép trên các đường lớn cũng dần được xóa bỏ. Điển hình ngày 24/3, lực lượng chức năng của quận Hoàng Mai và phường Đại Kim tiến hành phá dỡ bãi trông xe “khủng” vi phạm về xây dựng cạnh bờ sông Tô Lịch, đoạn từ cầu Lủ đến cầu Dậu, khiến người dân khu vực rất phấn khởi.

Theo thống kê, trong một tháng thực hiện chiến dịch đã có 22.600 lượt người được huy động; lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đã gửi trên 22.600 thư ngỏ; toàn TP đã có trên 120.000 hộ kinh doanh cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tháo dỡ hơn 5.100 mái che, mái vẩy; 2.600 bục bệ, cầu dẫn dắt xe được phá dỡ, hơn 2.200 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 800 triệu đồng.

Thực hiện kiên trì, đồng bộ các giải pháp

Để có được kết quả bước đầu đáng ghi nhận, sự đồng thuận của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của TP. Tuy nhiên, qua việc khảo sát nắm bắt ý kiến người dân vẫn còn những băn khoăn. Họ mong kế hoạch được thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Ông Nguyễn Hữu Dung - Tổ trưởng tổ dân phố 17, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cho hay, về lâu dài bà con mong muốn các điểm trông giữ xe được bố trí hợp lý. “Hiện nay, trong khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào chỉ có một bãi gửi xe tại ngõ Gia Ngư với sức chứa khoảng 40 chiếc xe máy, nếu không bố trí thêm điểm trông giữ thì sớm muộn người dân sẽ tái vi phạm” – ông Dung nhấn mạnh. Hay như chị Cù Vân Nhung, chủ cửa hàng quần áo tại phố Đinh Liệt cho biết, việc ra quân dẹp vỉa hè khi chưa bố trí đủ bãi đỗ xe đã làm nảy sinh những hệ lụy như xuất hiện điểm trông giữ xe trái phép với giá “cắt cổ” 20.000 đồng/lượt xe máy trong khu vực phố cổ...

Theo tìm hiểu của phóng viên, những mong muốn, bức xúc của người dân cũng đang là tâm tư của lãnh đạo các địa phương. Ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ, do hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là số điểm giao thông tĩnh trên địa bàn quận chưa đáp ứng được nhu cầu khiến việc triển khai kế hoạch có những hạn chế nhất định. Do đó, để không “bắt cóc bỏ đĩa”, quận Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời chỉ đạo các phường xây dựng phương án bố trí lực lượng, phân công trách nhiệm cụ thể để có cơ chế duy trì bền vững trật tự trên từng tuyến phố.

Cùng chung lo lắng này, bà Nguyễn Thu Ánh – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng cho biết, việc sắp xếp chỗ để xe tại những tuyến phố có vỉa hè hẹp lại nhiều hàng quán, cũng như việc bố trí địa điểm cho người buôn bán hàng rong, hộ buôn bán nhỏ lẻ bám vào vỉa hè... hiện vẫn hết sức khó khăn. Quận Hai Bà Trưng trong thời gian tới sẽ cố gắng căng hết lực lượng để duy trì trật tự, đồng thời sẽ cùng với các phường rà soát các địa điểm có thể bố trí làm bãi trông giữ xe, chỗ cho những người bán hàng rong, nhỏ lẻ.

Với dấu ấn để lại khá rõ nét qua hơn một tháng đầu, người dân Thủ đô có nhiều hy vọng về một diện mạo mới xanh, sạch, đẹp hơn cho đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, để hy vọng đó trở thành hiện thực thì kế hoạch phải được thực hiện một cách đồng bộ, kiên trì theo lộ trình, tạo sự chuyển biến tích cực từ ý thức người dân mới tránh được tình trạng “đá ném ao bèo”.

Vướng mắc lớn nhất trong hơn một tháng thực hiện Kế hoạch 01 là việc chưa tìm ra được giải pháp thực sự hiệu quả trong việc sắp xếp các hộ kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường tại một số nơi bị lấn chiếm. Do vậy, khi tổ chức ra quân thì xử lý tốt nhưng sau đó vẫn còn tình trạng tái vi phạm. Khó khăn này không chỉ riêng với quận Cầu Giấy, mà đang là tình trạng chung của tất cả các quận của Hà Nội.

Ông Bùi Tuấn Anh  Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy


Đây là vấn đề cần làm lâu dài nên sau một thời gian thực hiện, các cấp chính quyền cần tổng kết công việc vừa qua để rút ra kinh nghiệm. Việc tổng kết này không nên chung chung toàn TP, mà nên tổ chức ở các cấp phường, quận, huyện khác nhau nhằm thấy được những tồn tại chính để khắc phục. Hà Nội nên phân cấp cụ thể các giải pháp thực hiện, cái nào của phường, cái nào của quận, cái nào của TP, mới có thể thành công được.

PGS.TS - KTS Trần Trọng Hanh  Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội