Vốn doanh nghiệp đầu tư kho xăng dầu là chủ yếu
Báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu của Bộ Công Thương cho thấy, hệ thống kho dự trữ xăng dầu của Việt Nam hiện nay gồm 217 kho, tổng sức chứa khoảng 6,379 triệu m3. Trong đó 116 kho có sức chứa đến 5.000 m3, 91 kho sức chứa từ 5.000-100.000 m3 và 10 kho sức chứa trên 100.000 m3.
Phân theo loại kho dự trữ xăng dầu tại Việt Nam có kho dự trữ thương mại (kho tiếp nhận đầu mối và kho tuyến sau để kinh doanh nội địa), kho ngoại quan, kho nhiên liệu của nhà máy, kho sân bay; kho dự trữ sản xuất và kho dự trữ quốc gia.
Bộ Công Thương cùng các đơn vị tư vấn đánh giá cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về dự trữ và cung ứng xăng dầu. Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu đã được đầu tư tương đối hiệu quả, góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cả trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động thị trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nguồn vốn đầu tư hạ tầng kho xăng dầu thời gian qua đa số không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, mà chủ yếu là vốn của doanh nghiệp (cụ thể là 30% vốn của chủ đầu tư và 30% là vốn của các tổ chức tín dụng tài trợ). Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp, vai trò của nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu là rất quan trọng.
“Trong Dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương có đưa ra những giải pháp về huy động vốn đầu tư nguồn lực xã hội, còn nguồn lực của ngân sách nhà nước ngành sẽ ưu tiên tập trung cho dự trữ quốc gia” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, hiện cả nước có trên 30 doanh nghiệp đầu mối, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa, với chủ lực gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam - Công ty CP (PVOil) và Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội. Các DN ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng sức chứa.
Cần thêm chính sách thu hút, hỗ trợ
Dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống xăng dầu, dự trữ cung ứng khí đốt quốc gia đến năm 2030 lên tới 270.000 tỷ. Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn như: Nguồn vốn doanh nghiệp, nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác liên quan đến nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp xăng dầu, hoạt động dự trữ, cung ứng xăng dầu đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, cả về mặt bằng, trang thiết bị, công nghệ nhằm đảm bảo tránh hao hụt, cung ứng đúng, đủ, kịp thời, phòng ngừa rủi ro và phòng chống cháy nổ cũng như bảo vệ môi trường.
Vì vậy, để doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng dự trữ rất khó, bởi cần nguồn lực về tài chính rất lớn không chỉ trong đầu tư xây dựng mà cả trong quá trình vận hành sau đó.
Chia sẻ về những khó khăn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải Nguyễn Đức Hạnh cho hay: “Mặc dù các ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn để kinh doanh, nhưng yêu cầu phải đáp ứng được 3 nguyên tắc tiếp cận tín dụng ngân hàng (có mục đích, có kế hoạch; có tài sản tương ứng đảm bảo; hoàn trả vốn và lãi đúng thời hạn). Thực tế khi doanh nghiệp đưa ra phương án kinh doanh, vay vốn lớn như thế tất cả các đơn vị ngân hàng đều không dám cho vay.”
Vế vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng: Với nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu là cần thiết.
Tuy nhiên, chính sách để thu hút hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu như thế nào vẫn cần được tính toán và thiết lập để sớm có lộ trình phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cũng như an ninh năng lược quốc gia.
Song song với rà soát chính sách, cần tăng cường thông tin tuyên truyền về tầm quan trọng của hạ tầng dự trữ xăng dầu để lựa chọn được nhiều nhà đầu tư, bảo đảm năng lực, kinh nghiệm.
Dự thảo Quy hoạch Bộ Công Thương đang trình để thẩm định đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để thu hút vốn đầu tư triển khai quy hoạch. Trong đó, đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kho dự trữ quốc gia.
Đẩy mạnh tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư FDI và của các thành phần kinh tế khác. Các DN trước đây đã tham gia phải tái cấu trúc lại hệ thống để tiếp tục đầu tư; đa dạng hóa các hình thức vay vốn; thực hiện đẩy mạnh liên doanh, liên kết để thu hút vốn đầu tư về hạ tầng dự trữ, khuyến khích các thành quyền kinh tế cùng tham gia đầu tư.