Có đối tượng còn sử dụng thẻ tín dụng làm giả ở nước ngoài để mua hàng hóa, chủ yếu là các thiết bị điện tử đắt tiền như iPad, iPhone, MacBook... hoặc vàng tại các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS) ở Việt Nam.
Bài 2: Dùng thẻ ATM giả rút tiền thật
Lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ
Như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, sáng 15/7, Bộ Công an đã tổ chức họp báo công bố kết quả chuyên án làm giả thẻ tín dụng, thanh toán khống qua máy quẹt thẻ. Theo đó, sau 4 tháng xác minh, đến ngày 2/7, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ Tăng Hiểu Thiên - quốc tịch Trung Quốc và 4 đối tượng khác người Việt Nam về tội làm giả thẻ, thanh toán khống qua máy quẹt thẻ. Khám xét nơi ở của các đối tượng này, cơ quan chức năng thu giữ 5 máy quẹt thẻ của Ngân hàng Vietcombank, BIDV, Oceanbank; 2 bộ thiết bị chuyên dụng đọc, ghi dữ liệu thẻ; 66 thẻ và phôi thẻ của các ngân hàng.
Đối tượng Tăng Hiểu Thiên tại cơ quan điều tra.
|
Liên quan tới vụ việc này, Đội 3 (PC50) đã tạm giữ Tăng Hiểu Thiên, 30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc; Đinh Văn Chính (Phú Xuyên, Hà Nội) và Nguyễn Thị Phương (Thanh Hóa) vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lực lượng chức năng xác định, các đối tượng này đã cấu kết với nhau thành lập 4 công ty "ma", nhằm mục đích chiếm đoạt tiền. Cụ thể, năm 2013, đối tượng Đinh Văn Chính thành lập Công ty TNHH Ninh Cát tại địa chỉ phòng 2603, tòa nhà Licogi 13 (Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội, do Chính làm giám đốc).
Chính tạo vỏ bọc cho Tăng Hiểu Thiên làm giám đốc điều hành công ty để đối tượng này làm thẻ tạm trú tại Việt Nam. Sau đó, chúng tiếp tục thành lập 3 công ty khác và thuê một số thanh niên, sinh viên làm giám đốc, chủ tài khoản. Sau khi thành lập công ty, Đinh Văn Chính đã lựa chọn một số ngân hàng có cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ (các ngân hàng có cung cấp dịch vụ thanh toán qua máy POS) trên địa bàn Hà Nội như BIDV, Ocean Bank, Sacombank, VietinBank, Vietcombank, Eximbank... để mở tài khoản và hợp đồng dịch vụ thanh toán thẻ.
Thực tế, các đối tượng lập ra 4 công ty này chỉ để nhằm có được các máy POS do ngân hàng cung cấp chứ không hề có bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Lợi dụng các công ty này làm bình phong, chúng sử dụng thẻ tín dụng giả quẹt tại những máy POS dưới danh nghĩa các hợp đồng buôn bán giao dịch giữa các cá nhân với 4 công ty "ma" này. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của các công ty "ma", Thiên và Chính sẽ trực tiếp cùng các giám đốc "dỏm" đi rút ở các phòng giao dịch hoặc cây ATM. Sau hơn một năm dùng thủ đoạn này, các đối tượng đã giao dịch trót lọt 333 lần với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 1,1 tỷ đồng.
Trong tháng 6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã bắt quả tang Wang Hai Cheng (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) sử dụng thẻ tín dụng giả để mua điện thoại iPhone 5S tại một cửa hàng trên phố Hàng Bài. Tại nơi Wang Hai Cheng thuê trọ, cơ quan công an thu giữ 2 máy tính xách tay, 2 máy quét từ ghi thông tin thẻ tín dụng, USB và thẻ nhớ ghi các dữ liệu thông tin thẻ tín dụng trộm cắp. Cũng trong tháng 6, Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang Feng Hai Qiang (25 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) sử dụng thẻ ATM giả rút tiền tại cây ATM thuộc quận Thanh Xuân. Kiểm tra tư trang của Feng Hai Qiang, tổ công tác phát hiện 14 chiếc thẻ giả của các ngân hàng khác nhau và 6,5 triệu đồng mà đối tượng này vừa chiếm đoạt được cùng máy dập mã số thẻ, máy phủ từ, phủ nhũ, phủ bạc lên thẻ ATM. Các thẻ tín dụng giả này bên ngoài là thẻ của ngân hàng Trung Quốc nhưng thông tin thẻ đều là tài khoản của các ngân hàng Việt Nam. Nghi can được cho là đã lấy cắp thông tin của chủ thẻ ATM.
Nhiều "chiêu thức" mới
Từ các vụ án trên cho thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tấn công dồn dập vào hệ thống ngân hàng với nhiều thủ đoạn khác nhau rất tinh vi. Nghi can chủ yếu là người nước ngoài lợi dụng sơ hở trong quản lý xuất nhập cảnh đến Việt Nam theo đường du lịch bằng hộ chiếu thật, sau đó dùng hộ chiếu và thẻ tín dụng giả mang tên người khác để hoạt động phạm tội. Các băng nhóm hoạt động có tổ chức chặt chẽ được phân chia theo nhiều công đoạn phạm tội, như nhóm hoạt động lắp đặt thiết bị sao chép dữ liệu, nhóm sử dụng thiết bị làm giả thẻ tín dụng, nhóm sử dụng thẻ giả để rút tiền... Mục đích của việc phân chia các công đoạn này nhằm đối phó với sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại úy Vũ Việt Anh - Đội phó Đội 3 (PC50) cho biết, dù phương thức sử dụng thẻ tín dụng giả để lừa đảo đã xảy ra không ít nhưng các đối tượng trên lại có thủ đoạn rất tinh vi, sử dụng nhiều chiêu thức mới để tiến hành chiếm đoạt tài sản. Nếu như trước đây, các đối tượng trực tiếp dùng thẻ giả ra ngân hàng rút tiền hay mua hàng tại các siêu thị điện máy thì nay, các đối tượng liên tục thay đổi công ty, mỗi công ty chỉ hoạt động một vài tháng, sau đó lại thành lập công ty mới để đủ điều kiện lấy máy POS của các ngân hàng, khiến cho cơ quan công an khó phát hiện bắt quả tang, phải theo dõi trong thời gian dài mới truy tìm ra dấu vết.
Đại úy Vũ Việt Anh nhận định, mặc dù đây là vụ việc đầu tiên các đối tượng sử dụng phương thức mới này nhưng khả năng sẽ còn tiếp tục diễn biến trong thời gian tới. Thủ đoạn này rất tinh vi vì phải sau một thời gian khi các ngân hàng và quỹ tín dụng có sự hợp tác với nhau mới có thể phát hiện được, lúc đó, rất có thể bọn tội phạm đã kịp thực hiện hành vi nhiều lần, gây ra thiệt hại lớn. Nguyên nhân khiến cho loại tội phạm này xuất hiện thời gian gần đây là do hệ thống thẻ từ thường không có tính bảo mật cao, phôi thẻ và máy in mã số được mua bán rất thoải mái tại Trung Quốc, các đối tượng có thể dễ dàng mua và tạo thành thẻ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để ngăn chặn loại tội phạm này, cần có sự trao đổi thông tin chặt chẽ giữa các ngân hàng và cơ quan công an, bởi khi có giao dịch bất thường, ngân hàng là nơi phát hiện sớm nhất.
(còn nữa)