Lấy chất bù lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch cải cách quân đội vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vừa là biện pháp đối phó với tình trạng bị cắt giảm ngân sách quốc phòng, vừa phản ánh quan điểm của chính phủ Mỹ về tiến hành chiến tranh trong bối cảnh tình hình mới.

Nếu thực hiện kế hoạch này thì số binh lính của Mỹ sẽ giảm xuống thấp hơn cả mức sau chiến tranh thế giới thứ hai, một vài loại vũ khí quân sự từ thời chiến tranh lạnh bị loại bỏ và nguồn ngân sách quốc phòng được tập trung đầu tư trước hết cho những thế hệ và chủng loại thiết bị chiến tranh hiện đại hơn, đặc biệt là máy bay không người lái, hải quân và công nghệ thông tin để tiến hành chiến tranh và phòng chống bị tấn công qua mạng internet.

Quốc hội Mỹ đã quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng nên cuộc cải cách quân đội này là không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ là chính phủ Mỹ cải tổ quân đội như thế nào. Theo những gì đã được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố về nội dung cuộc cải tổ này thì cải tổ không có nghĩa là từ bỏ mục đích là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới; cắt giảm lực lượng bộ binh nhưng không vì thế mà yếu hơn so với trước mà sẽ lấy chất để bù lượng. Điều đáng chú ý ở đây là đánh giá của Mỹ cho rằng cách thức phòng thủ và tiến hành chiến tranh đều không thể cứ như trước được nữa. Từ chống khủng bố đến chiến tranh qua mạng, từ xử lý khủng hoảng chính trị an ninh khu vực đến điều chỉnh ưu tiên chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sức manh và ưu thế có được từ khoa học và công nghệ cao đều là nhân tố phân định thắng bại. Vì thế, Mỹ phải đầu tư vào nhiều hơn và dành cho ưu tiên chiến lược cao hơn. Mỹ cho rằng, trong thời gian tới không có nhu cầu và không nên tiến hành đồng thời hai cuộc chiến tranh, dẫu có chiến tranh thì cũng không cần nhiều bộ binh mà cần hải quân và dùng máy bay không người lái. Lấy chất bù lượng như thế không chỉ vì bị bớt ngân sách mà còn vì phải thích ứng hóa chiến lược quân sự vào thời kỳ mới.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần