Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấy cương chế cương

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lại thử tên lửa cho thấy Triều Tiên tiếp tục chiến lược và sách lược lâu nay. Vẫn là chủ ý bất chấp tất cả 5 nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) đã thông qua nhằm gây áp lực và trừng phạt Bình Nhưỡng.

Vẫn là định hướng dùng leo thang căng thẳng để đối phó với những biện pháp trừng phạt mà các đối tác bên ngoài đã và đang áp dụng.

Vẫn là sự bám giữ vào chương trình hạt nhân và tên lửa để duy trì tác dụng răn đe và vị thế trong quan hệ với các đối tác khác. Nhưng khác với những lần thử nghiệm tên lửa trước đó, lần thử nghiệm này của Triều Tiên tuy chưa được thành công mỹ mãn nhưng cũng không đến nỗi hoàn toàn thất bại khi một quả tên lửa bắn thử đã đi được chặng đường 400km - đủ để vươn tới mọi cái đích trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như tới căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương. Như thế có nghĩa là Triều Tiên đã đạt được tiến bộ rất quan trọng trong việc phát triển chương trình tên lửa, bất chấp LHQ, Mỹ và nhiều đối tác khác, trong đó có cả Trung Quốc siết chặt thêm mức độ những biện pháp cô lập và trừng phạt Triều Tiên. Với thành quả mới này, phương châm "lấy cương chế cương" của Triều Tiên càng có được điều kiện thuận lợi để phát huy tác dụng.

Tiếp tục thử nghiệm tên lửa và cự tuyệt việc nối lại thương thảo trong khuôn khổ diễn đàn đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh (Trung Quốc) về giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên xem ra được Bình Nhưỡng chọn làm đối sách đối phó với việc bị các đối tác kia gia tăng áp lực về chính trị cũng như kinh tế. Các đối tác này bị thách thức mới bởi vụ thử nghiệm tên lửa mới của Triều Tiên. Nếu cứ theo lô gic tư duy lâu nay của họ thì phản ứng đầu tiên của họ là lên án và phản đối Triều Tiên, sau đó sẽ lại là những suy tính siết chặt thêm, gia tăng thêm và mở rộng thêm những biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Có nghĩa là cũng lấy cương chế cương. Căng thẳng và đối đầu vì thế còn gia tăng trong khi giải pháp chính trị càng thêm khó đạt được.