Khánh Hòa:

Lấy ý kiến cộng đồng về lập quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được định hướng phát triển đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đồng thời, khu vực này sẽ xây dựng trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm hàng đầu thế giới, phát triển khu thiên đường nghỉ dưỡng…

UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa vừa có thông báo lấy ý kiến cộng đồng dân cư về hồ sơ Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm. Theo đó, khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc toàn bộ địa giới 14 đơn vị hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích là 54.719,4ha.

Phối cảnh quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm. 
Phối cảnh quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm. 

Cam Lâm là địa phương có vị trí gần TP Nha Trang, gần sân bay Cam Ranh và đã có một số dự án, nhưng chủ yếu tập trung dải đất ven biển khu vực Bãi Dài. Riêng khu vực đồng bằng phía tây Đầm Thủy Triều vẫn chưa có nhiều đề xuất dự án.

Cơ cấu sử dụng đất hiện trạng chủ yếu vẫn là đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, đồi núi, đầm phá, nuôi trồng thủy hải sản. Cơ cấu sử dụng đất gồm khoảng 24,33% đất sản xuất nông nghiệp; 51,87% đất lâm nghiệp; 1,16% đất nuôi trồng thủy sản; 8,41% đất chuyên dùng và 1,04% đất làng xóm hiện hữu.

Theo đề xuất tầm nhìn chiến lược Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm sẽ là thành phố thông minh sáng tạo hàng đầu thế giới, cửa ngõ kết nối ra thế giới. Trong đó, vùng đô thị sân bay Cam Lâm trở thành một khu vực đạt tầm cỡ thế giới, đóng vai trò là “Cửa ngõ quốc tế đến và đi Việt Nam với thế giới”, trên cơ sở hoạt động của Sân bay Quốc tế - Khu du lịch đẳng cấp quốc tế.

Một số dự án đang triển khai và đi vào hoạt động tại khu vực Bãi Dài. (Ảnh: Trung Vũ)
Một số dự án đang triển khai và đi vào hoạt động tại khu vực Bãi Dài. (Ảnh: Trung Vũ)

Vùng xung quanh sân bay Quốc tế Cam Ranh sẽ là một khu vực phát triển bền vững, tối đa hóa những lợi ích về mặt xã hội, kinh tế và môi trường trên cơ sở khai thác hoạt động vận chuyển của sân bay và các không gian chức năng đô thị mới Cam Lâm.

Đồng thời, đây sẽ là khu vực tạo dựng nền tảng để Khánh Hòa trở thành trung tâm của khu vực và cả nước về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Song song với đó là định hướng thành lập trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương và trung tâm trí tuệ toàn cầu tại đô thị mới Cam Lâm.

Đặc biệt, khu vực này sẽ nghiên cứu cơ chế đặc thù gắn kết chặt chẽ hợp tác công tư và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nhanh chóng chuyển giao, ứng dụng công nghệ đại dương cho phát triển kinh tế biển.

Về các khu chức năng đô thị mới Cam Lâm được định hướng quy hoạch phát triển không gian gồm 3 khu chức năng chính. Cụ thể, khu đô thị thông minh sinh thái hàng đầu thế giới nằm phía Bắc khu vực nghiên cứu, gồm 2 khu.

Trong đó, khu A là thành phố đảo thiên đường, lấy cảm hứng từ mô hình đô thị nghỉ dưỡng sang trọng Gold Coast, Úc. Khu B là khu tài chính, trung tâm công nghệ, đổi mới sáng tạo, và trí tuệ toàn cầu.

Khu vực thứ 2 là khu đô thị sân bay cao cấp nằm ở khu vực phía Nam, áp dụng mô hình các thành phố mang phong cách châu Âu tận dụng lợi thế của sân bay Cam Ranh.

Khu vực cuối cùng là khu quần thể vui chơi giải trí lớn nhất thế giới nằm phía tây khu vực nghiên cứu, bao gồm tổ hợp các sân golf lớn và độc đáo, các loại hình công viên chuyên đề (thế giới nước, công viên thám hiểm, safari, trường đua ngựa, khách sạn cao cấp …)

Ngoài ra, còn có khu đô thị du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (khu du lịch Bãi Dài) đã được xác định là địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch cấp Quốc gia tại Quyết định số 201/QĐ-Ttg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo quy hoạch, dân số hiện trạng của Cam Lâm khoảng 139.900 người. Trong đó dân số chính thức 109.900 người, dân số quy đổi khoảng 30.000 người.

Dự kiến dân số đến năm 2030 khoảng 300.000 - 320.00 người. Trong đó dân số chính thức khoảng 190.000 - 200.000 người, dân số quy đổi khoảng 100.000 - 130.000 người.

Dân số đến năm 2040 khoảng 750.000 - 770.00 người; trong đó dân số chính thức khoảng 520.000 - 550.000 người. Dự báo sơ bộ nhu cầu sử dụng đất:

Ngoài ra, đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 13.000 - 15.000ha; đến năm 2045 khoảng 19.000 - 20.000ha.