Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Vũ Tuấn Anh cho biết, UBND phường Hàng Trống phối hợp với Viện Nghiên cứu Da - Giầy, Hội Da Giầy Thành Phố Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu phát triển Làng nghề Da - Giầy Việt Nam tổ chức Lễ dâng hương cùng với các hoạt động trưng bày sản phẩm, trình diễn kỹ thuật nghề thủ công Da – Giầy.
Sự diễn ra trong 2 ngày, 28 và 29 tháng 4 năm 2023 với mong muốn Nhân dân và du khách được tham quan, trải nghiệm các kĩ thuật thực hành thủ công truyền thống của ngành da - giầy – túi xách cũng như quảng bá giá trị di tích Đình phả Trúc Lâm.
Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung sống dưới triều Lê - Mạc. Sinh thời ông làm quan cho triều Mạc (vào thế kỷ XV) đến chức Thừa chánh sứ. Trong thời gian làm Chánh sứ tại Trung Quốc, ông và ba người cùng quê đi theo là các ông Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính, Nguyễn Sĩ Bân đã dừng chân ở Hàng Châu, nghiên cứu sự tài khéo, tinh xảo trong nghề đóng giày ở đây.
Trải qua bao gian nan vất vả, các ông đã học thuộc nghề, nắm vững các bí quyết về thuộc da, đóng giày để rồi truyền lại cho cháu con sau này và kể từ ngày đó, Việt Nam đã sản sinh ra các làng nghề, phố nghề đóng giày da thủ công. Đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định đã công nhận và gia phong cho các ngài là: Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần.
Thế kỷ 17, các thợ giầy ở Hải Dương đã mang kỹ thuật da giày đó lên hành nghề tại Kinh thành Thăng Long, rồi cư trú tại các phố Hàng Hành, Hàng Giầy,… và Cuối thế kỷ 19 họ đã cùng nhau xây đình Phả Trúc Lâm để phụng thờ các Tổ nghề da giầy..