Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm: Để “Sắc hoa trên miền di sản” vươn xa

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, tiềm năng thế mạnh của xã Phù Đổng, hưởng ứng các hoạt động của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, từ ngày 12 - 17/11/2024, UBND huyện Gia Lâm tổ chức “Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học (áo trắng, đứng giữa) thăm một số mô hình, nhà vườn tham gia Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học (áo trắng, đứng giữa) thăm một số mô hình, nhà vườn tham gia Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024.

Đây là lần thứ hai “Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng” được tổ chức. Với chủ đề “Sắc hoa trên miền di sản”, lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm năm 2024 được thiết kế với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Rực rỡ những sắc màu hoa giấy

Những ngày này, trên những cánh đồng của xã Phù Đổng tràn ngập sắc màu hoa giấy; muôn hồng nghìn tía, trải dài như mộc bức tranh rực rỡ sắc màu tươi thắm, bắt mắt. Người trồng hoa nơi đây đang háo hức chuẩn bị cho một lễ hội ý nghĩa – “Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng” lần thứ hai, với nhiều tín hiệu tốt đẹp.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, chủ nhà vườn Huỳnh Thức vui vẻ cho biết, năm nay gia đình ông dự kiến chọn trưng bày 5 cây hoa giấy cỡ lớn tại khu vực trung tâm của lễ hội và khoảng 30 cây nhỏ trang trí tại các khu vực xung quanh. Những cây được chọn trưng bày là những cây hoa giấy lâu năm, được cắt tỉa, tạo tán độc đáo, có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với những cây hoa giấy thông thường. Tương tự, một chủ nhà vườn khác - ông Nguyễn Bá Nam cho biết, gia đình ông dự kiến chọn trưng bày 5 cây, gồm 2 cây trắng tuyết, 2 cây ngũ sắc, 1 cây dáng thông. Để có hình dáng và màu sắc nổi bật, trước khi mang ra lễ hội, các chậu cây đều được các nhà vườn chăm sóc, sửa sang tỉ mỉ.

Du khách check-in tại các vườn hoa giấy xã Phù Đổng
Du khách check-in tại các vườn hoa giấy xã Phù Đổng

Đại diện Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, ông Phạm Xuân Thông – Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phù Đổng Green Park cho biết, với hàng nghìn cây hoa giấy trưng bày trong khuôn viên và nhiều hạng mục vui chơi, giải trí hấp dẫn, Phù Đổng Green Park sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách tham quan, du lịch trong dịp lễ hội này. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Phù Đổng Green Park còn có các tour du lịch kết nối văn hóa của địa phương (đền Gióng, xã Phù Đổng) với các điểm du lịch lân cận như Dương Xá, Bát Tràng, Ninh Hiệp, rất thuận tiện cho du khách có nhu cầu khám phá du lịch văn hóa, tâm linh.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài, là làng nghề trồng hoa giấy lâu năm với quy mô lớn nhất miền Bắc, năm 2020, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm được UBND TP Hà Nội công nhận là “Làng nghề hoa giấy”. Đến nay, toàn xã có hơn 150ha diện tích nông nghiệp chuyển đổi sang trồng hoa giấy với khoảng 450 hộ tham gia. Bắt kịp với xu thế thời đại, không chỉ duy trì phát triển những giống hoa giấy truyền thống, người trồng hoa giấy Phù Đổng còn nhập về các loại hoa giấy giống mới, giống ghép từ nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Nhờ đó, màu sắc, kiểu dáng của hoa giấy Phù Đổng ngày càng phong phú, đa dạng.

Ngoài các màu sắc truyền thống như trắng, tím, đỏ còn có các màu mới như: cẩm thạch trắng đỏ, hồng gân đậm, hồng gân nhạt, Sakura, đỏ Pháp, hoa giấy Mỹ, trắng Tàu, tím tuyết, tím Pháp, hoa giấy đổi màu Ấn Độ, đỏ rubi, cam lửa… Các dáng, thế của hoa giấy cũng được tạo tác với phong cách từ truyền thống đến hiện đại như: dáng bàn trà, dáng cây thông, dáng nón… Hiện nay, hoa giấy Phù Đổng được tiêu thụ và có mặt tại khắp các tỉnh, TP trên cả nước, tập trung nhiều ở khu vực miền Trung.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Sau thành công của “Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng” lần thứ nhất năm 2023, UBND huyện Gia Lâm xác định đây là sự kiện thường niên nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, tiềm năng thế mạnh của xã Phù Đổng trong định hướng phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, lễ hội còn nhằm quảng bá giới thiệu về làng nghề cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng và điểm du lịch Phù Đổng; các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, tâm linh. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cơ quan, DN, cộng đồng xã hội về phát triển làng nghề gắn với du lịch, tham quan trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 12/9/2024 của UBND TP Hà Nội về tổ chức các hoạt động tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO năm 2024 - 2025 và Thông báo số 1267 -TB/HU ngày 30/9/2024 Kết luận của Thường trực Huyện ủy Gia Lâm về tổ chức các hoạt động tham gia hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng Kế hoạch tổ chức lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024.

Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh cho biết: “Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng” năm 2024 được tổ chức từ ngày 12 - 17/11/2024, với chủ đề “Sắc hoa trên miền di sản". Lễ hội được tổ chức tại các không gian: khu di tich Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề hoa giấy Phù Đổng; các nhà vườn trên trục đường liên xã và khu sinh thái Phù Đổng Green Park.

Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm: Để “Sắc hoa trên miền di sản” vươn xa - Ảnh 1
Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm: Để “Sắc hoa trên miền di sản” vươn xa - Ảnh 2

 

 

Các hoạt động tại lễ hội gồm: trưng bày, giới thiệu các cây hoa, cây cảnh đặc sắc, tiêu biểu của làng nghề hoa giấy Phù Đổng và các đơn vị bạn; trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch của các điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm; tổ chức hội thi tạo hình, ghép cây “Hoa giấy Phù Đổng"; tổ chức hội nghị xúc tiến, kết nối du lịch Phù Đổng và các đơn vị lữ hành nhằm tăng cường, thúc đẩy quảng bá điểm du lịch Phù Đổng; tổ chức diễu hành xe mô hình trang trí hoa giấy chào mừng lễ hội. Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các hoạt động vui chơi, giải trí; trò chơi dân gian...

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khiến hầu hết số hộ trồng hoa giấy bị thiệt hại, song chỉ sau 1 tháng khắc phục, những cánh đồng hoa giấy lại rực rỡ sắc màu, đón chào một mùa vụ mới. Sau khi triển khai kế hoạch tổ chức “Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng” năm 2024, đã có 70 nhà vườn với 150 cây thế và 200 cây nền tham gia.

Thành công của lễ hội cây cảnh, hoa giấy lần thứ nhất đã khiến “Sắc hoa trên miền di sản” xã Phù Đổng ngày càng vươn xa; rất nhiều du khách và khách hàng từ các tỉnh, thành trên cả nước đã tìm đến Phù Đổng, trong đó có cả những khách hàng từ những vùng hoa nổi tiếng của cả nước như Sa Đéc (Đồng Tháp), Đà Lạt (Lâm Đồng), Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng… Địa phương kỳ vọng tiếp tục thu hút được nhiều hơn nữa các khách hàng tiềm năng đến với làng nghề Phù Đổng cũng như du lịch Phù Đổng trong thời gian tới.