Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội Điện Trường Bà - Biểu tượng của truyền thống đại đoàn kết

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mang đậm giá trị lịch sử - văn hóa, lễ hội Điện Trường Bà là điểm hội tụ văn hóa tâm linh và biểu tượng sinh động của truyền thống đại đoàn kết dân tộc.

Thông điệp đoàn kết các dân tộc

Trong hai ngày 15 và 16/5, UBND huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) tổ chức lễ hội Điện Trường Bà năm 2022, thu hút hàng nghìn du khách và người dân địa phương tham dự.

Lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức trong hai ngày 15 và 16/5 (tức ngày 15, 16 tháng Tư Âm lịch).
Lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức trong hai ngày 15 và 16/5 (tức ngày 15, 16 tháng Tư Âm lịch).

“Năm 2014, Điện Trường Bà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia, năm 2017 được đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ hội trở thành một trong những hoạt động hấp dẫn với du khách thập phương trong chuyến hành trình tâm linh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh cho biết.

Cũng theo ông Hồ Văn Thịnh, lễ hội này còn là dịp quảng bá cho du khách về thiên nhiên, lịch sử của địa phương, đồng thời, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Cor, tham quan rừng quế và mua các sản phẩm làm từ quế, thưởng thức các món ăn của đồng bào Cor, ngắm nhìn, chụp ảnh lưu niệm bên Cây đa lá lệch 300 tuổi ở Điện Trường Bà - Cây di sản Việt Nam đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận.

Trình diễn nhạc cụ truyền thống.
Trình diễn nhạc cụ truyền thống.

Lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức hàng năm, vào ngày 15 và 16 tháng Tư Âm lịch. Đây là sản phẩm do cộng đồng người Việt, người Cor sáng tạo và giữ gìn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội ra đời và phát triển lâu dài trong cộng đồng các dân tộc Kinh - Cor, phản ánh lịch sử hình thành cộng đồng dân cư ở miền Tây Quảng Ngãi nói riêng và toàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

"Dịp lễ năm nào tôi cũng đến đây để dâng hương cho Bà, cầu mong công việc làm ăn của gia đình trôi chảy, con cái được bình an”, bà Nguyễn Thị Hường (ngụ TP Quảng Ngãi) chia sẻ.

Tham gia lễ hội, ngoài người Kinh, Cor còn có người Hoa, H’re và các dân tộc khác ở Nam Bộ, Quảng Nam, Đà Nẵng. Đây là điều hết sức đặc biệt so với những lễ hội khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 

Một nghi thức trong lễ hội Điện Trường Bà.
Một nghi thức trong lễ hội Điện Trường Bà.

Lễ hội được tổ chức thành nhiều phần khác nhau như: Lễ Mộc Dục, lễ Tế ngoại đàn, lễ Đâm trâu, lễ Chánh tế, lễ dâng hương Bà Thánh mẫu Thiên Y A Na, lễ thỉnh Bà xem hát bội... Phần nghi thức và các vật phẩm cống lễ mang dáng nét của các dân tộc anh em trong vùng đã sinh sống hòa thuận đoàn kết bên nhau.

Múa lân ở lễ hội Điện Trường Bà.
Múa lân ở lễ hội Điện Trường Bà.

Lễ hội thể hiện thông điệp đầu tiên là gắn tình đoàn kết giữa các dân tộc trong quá trình mở mang bờ cõi. Gắn phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động văn hoá dân gian mang đặc trưng của các dân tộc anh em như: múa cồng chiêng, múa Cà đáo, bắn cung, ném lao, kéo co, đi cà kheo, thi đấu cờ người, hát bộ, múa lân, múa sắc bùa, cô đồng...

Từ bao đời nay, lễ hội Điện Trường Bà đã trở thành ngày lễ thiêng liêng  của người dân đất quế Trà Bồng và nhiều vùng lân cận. Dù ở đâu, làm gì, trong ngày lễ hội, tất cả mọi người đến dự lễ đều hướng lòng thành kính, tri ân đến Thánh mẫu Thiên Y A Na và các vị thần khác đã có công trong việc khai phá vùng đất này.

Điện Trường Bà - Di sản văn hóa vô giá

Theo các nhà khoa học, tín ngưỡng thờ bà Thiên Y A Na được bắt nguồn từ tục thờ bà Ponagar của người Chăm. Bà Thiên Y A Na hay bà Chúa Ngọc, người Chăm gọi là nữ thần Ponagar. Tuy chỉ là một vị thần theo truyền thuyết, nhưng đã được cư dân Việt và Chăm thờ phụng, đã được nhà Nguyễn xếp vào bậc thượng đẳng thần.

Điện Trường Bà nằm trên địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Điện Trường Bà nằm trên địa phận thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Điện Trường Bà - Một di tích văn hóa độc đáo với sự giao thoa tín ngưỡng giữa hai dân tộc Kinh, Cor và dân tộc Chăm. Đây là di tích tín ngưỡng tương đối đặc biệt, một công trình kiến trúc khiêm tốn, trang nghiêm, là một trong số những đền thờ bà Thiên Y A Na trên đất Quảng Ngãi. Di tích này tương đối đặc biệt ở chỗ cùng được cư dân các dân tộc Cor, dân tộc Kinh (ở bản địa - huyện Trà Bồng) thờ phụng trang nghiêm.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian cho biết, Điện Trường Bà mang tính cộng đồng, biểu trưng tình đoàn kết, hòa hợp giữa các dân tộc trong chiều dài lịch sử mở mang bờ cõi và phát triển của đất nước.

Nghi thức phóng sinh tại lễ hội.
Nghi thức phóng sinh tại lễ hội.

Gần Điện Trường Bà là điểm khởi đầu của Di sản văn hóa quốc gia Trường Lũy dài 113 km (trải dài qua 32 xã với hơn 70 đồn bảo). Đây là ngã ba sông, cửa ngõ vào rừng cao, núi sâu, mở mang đất đai mang dấu ấn lịch sử tiêu biểu của vùng đất Quảng Ngãi nói riêng, vùng đất Nam Trung Bộ nói chung. Điện Trường Bà đã trở thành Di sản văn hóa vô giá.

“Lễ hội Điện Trường Bà không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách thập phương mà còn góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự, tăng cường tình đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện Trà Bồng”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ nhấn mạnh.