Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/6 (tức ngày 15/4 âm lịch), Lễ hội kỷ niệm 595 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2023) do quận Hoàn Kiếm tổ chức tại Khu di tích tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ bên Hồ Hoàn Kiếm lịch sử, nơi gắn với huyền thoại Vua Lê trả gươm báu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố và quận Hoàn Kiếm dâng hương tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố và quận Hoàn Kiếm dâng hương tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ

Dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn và lãnh đạo Sở, ngành, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cùng đông đảo người dân trên địa bàn.

Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã dâng hương tưởng niệm vua Lê Thái Tổ.

Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang  - Ảnh 1
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ

Tại khu di tích, các đại biểu đã thành kính dâng hương, tri ân đức vua Lê Thái Tổ và các vị tiền nhân đã có công gìn giữ giang sơn, mở ra nền độc lập, phồn thịnh cho quốc gia, dân tộc.

Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang là dịp ôn lại truyền thống lịch sử; tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời tốt đẹp của dân tộc, đồng thời đẩy mạnh quảng bá những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của khu di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ, gắn với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Các đại biểu dự lễ hội 
Các đại biểu dự lễ hội 
Các tiết mục nghệ thuật tại Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang
Các tiết mục nghệ thuật tại Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang

Lịch sử Việt Nam ghi dấu giai đoạn đầu thế kỷ XV, nhân dân ta dưới ách đô hộ của nhà Minh chịu nhiều cảnh lầm than, cùng cực. Chứng kiến cảnh nguy nan của dân tộc, Lê Lợi, với nghĩa khí cao cả cùng lòng yêu nước nồng nàn, đã dấy binh, dựng cờ, mở hội thề khởi nghĩa. Tròn thập kỷ nếm mật, nằm gai (1418-1428), người anh hùng Lê Lợi cùng nghĩa quân đã đánh đuổi thành công giặc Minh ra khỏi bờ cõi đất nước, ban bố Bình Ngô đại cáo tuyên bố thiên hạ đại định, Nam - Bắc thôi việc binh đao.

Trong niềm vui hân hoan của dân tộc, ngày 15 tháng Tư năm Mậu Thân - 1428, Lê Lợi chính thức đăng quang, xưng là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt. Trong suốt thời gian trị vì, đức vua đã đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại, một nền độc lập, phồn vinh cho cả quốc gia, dân tộc.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại lễ hội
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại lễ hội

Phát biểu tại lễ hội, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, sự kiện đăng quang của vua Lê Thái Tổ đã đi vào lịch sử, với sự ngưỡng vọng, tôn vinh của dân tộc.

Và chính nơi đây, bên bờ Hồ Gươm huyền thoại, gắn với sự tích “vua Lê trả gươm báu cho rùa thần”, sự hiện diện của khu di tích tưởng niệm vua Lê cùng với đình Nam Hương đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa trang nghiêm, cổ kính, một điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn, đồng thời là một biểu tượng cho khát vọng hòa bình và ý chí quật cường quyết tâm bảo vệ cho được nền hòa bình của quốc gia, dân tộc. Với những giá trị tiêu biểu đó, cụm di tích đã được ghi danh là di tích lịch sử quốc gia năm 1995.

Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang  - Ảnh 2
Khu di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ gắn với đình Nam Hương (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa trang nghiêm cổ kính
Khu di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ gắn với đình Nam Hương (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa trang nghiêm cổ kính

“Lễ hội là dịp ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước, đồng thời ghi nhận, tôn vinh và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tín ngưỡng dân gian đặc sắc của dân tộc. Việc khôi phục các nghi thức truyền thống trong lễ hội còn có ý nghĩa thiết thực, góp phần phát huy bản sắc văn hóa, tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử quốc gia khu phố cổ, giá trị di sản văn hóa quốc gia đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, giá trị văn hóa sáng tạo của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận...”, ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Lễ hội kỷ niệm 595 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 đến 4/6, với nhiều nghi thức tâm linh, hoạt động văn hóa nghệ thuật tại khu di tích và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Lễ hội kỷ niệm 595 năm Ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang  - Ảnh 3
Bên trong Khu di tích đình Nam Hương
Bên trong Khu di tích đình Nam Hương

Sau Lễ dâng hương, từ 21h tối 2/6 là chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống tại khu vực sân khấu và xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Đáng chú ý, chiều 3/6 sẽ là Lễ rước truyền thống quanh hồ Hoàn Kiếm. Đoàn rước xuất phát từ khu vực Tượng đài Vua Lê Thái Tổ, đi quanh hồ Hoàn Kiếm đến khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ đoàn rước dừng lại vào thắp hương, dâng hoa. Sau đó đoàn rước đi tiếp về khu vực Tượng đài Vua Lê và kết thúc tại đây.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra từ ngày 2/6/2023 đến 4/6/2023: Triển lãm ảnh một số Lễ hội của Hà Nội và quận Hoàn Kiếm tại hè hồ Hoàn Kiếm (đối diện tượng đài Vua Lê); Giới thiệu tranh dân gian Hàng Trống tại Đình Nam Hương; Tổ chức biểu diễn đánh cờ người tại khu vực trước cửa Trung tâm Văn hóa thông tin Hồ Gươm - số 2 phố Lê Thái Tổ; Biểu diễn võ dân tộc tại khu vực hè hồ Hoàn Kiếm đối diện tượng đài Vua Lê; Biểu diễn thư pháp và trình diễn nặn Tò he tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Ban thờ  đức vua Lê Thái Tổ 
Ban thờ  đức vua Lê Thái Tổ 
Cán bộ, Nhân dân, du khách... thắp hương tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ 
Cán bộ, Nhân dân, du khách... thắp hương tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ 

Khu di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ gắn với đình Nam Hương (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa trang nghiêm cổ kính, nơi bảo lưu những truyền thống văn hóa tốt đẹp giữa lòng Thủ đô, một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng có giá trị tiêu biểu. Với những ý nghĩa và giá trị trường tồn đó, "Công trình tưởng niệm vua Lê Thái Tổ" và “Di tích lịch sử văn hóa đình Nam Hương” đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia để giữ gìn, bảo tồn và lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ mai sau.