Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội làng Triều Khúc: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm, cứ từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, người dân làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì lại thành kính, tự hào tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho dân làng…

Điệu múa bồng hay còn gọi là “con đĩ đánh bồng” - sản phẩm văn hóa độc đáo lễ hội làng Triều Khúc.
Lễ hội đậm chất văn hóa Việt
Làng Triều Khúc có khung cảnh cổ kính đặc trưng của ngôi làng xưa Bắc Bộ. Trái tim của làng là khu vực trung tâm với chùa Hương Vân và Đình thờ Sắc uy nghiêm, rêu phong, đặc trưng của đình chùa làng Việt còn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng. Ngay trước cổng chùa là một hồ nước rộng, trong xanh cùng nhà thủy tạ nổi khiến phong cảnh càng thêm hữu tình.

Đặc trưng khác của làng là có hai ngôi đình cổ, với kiến trúc bề thế, trong đó Đình thờ Sắc, thờ các đạo sắc phong thời Lê Cảnh Hưng 44 (1783) đến thời Khải Định 9 (1924) ban phong mỹ tự cho vị thành Hoàng của làng và Đại đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Người dân Triều Khúc rất tự hào, gìn giữ các ngôi đình vì tương truyền vị trí đình Đại ngày nay vào năm 791 là nơi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chọn làm đại bản doanh trên đường công thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) chống lại sự đô hộ của nhà Đường. Đến Triều Khúc còn được chứng kiến sự giao hòa giữa nếp sống xưa và nay qua làng nghề thể hiện từ xóm Cầu, xóm Đình, đến xóm Lẻ… đâu đâu cũng có cơ sở sản xuất, không khí lao động nhộn nhịp, toát lên nhịp sống mới.

Không chỉ có vậy, làng Triều Khúc còn có lễ hội đậm chất văn hóa Việt, thu hút đông đảo du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học. Hàng năm, làng tổ chức lễ hội tại Đại đình để tưởng nhớ công ơn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người anh hùng phát động cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc. Lễ hội làng Triều Khúc được mở đầu bằng lễ rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng, từ đình thờ Sắc về đình Đại Đình để bắt đầu khai hội.

Trong không gian lễ hội có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn. Tiêu biểu là điệu múa trống bồng - điệu múa cổ do trai làng đóng giả làm con gái, má phấn, môi son, đầu chít khăn mỏ quạ, váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc, vừa múa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, duyên dáng. Hội làng còn có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như tế lễ, rước kiệu, múa chạy cờ… Trong ngày cuối của Lễ hội, sau khi kết thúc ba tuần tế là diễn ra điệu múa chạy cờ, tái hiện lại hào khí năm xưa của nghĩa quân Phùng Hưng thao luyện binh mã trước ngày ra trận.

Nét đẹp trường tồn

Ông Triệu Khắc Sâm, thôn Triều Khúc bộc bạch: Với dòng chảy thời gian cùng tốc độ đô thị hóa, người dân Triều Khúc luôn nhắc nhở nhau giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân lại mở hội. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao to lớn của vị vua Phùng Hưng, mà còn là dịp trẩy hội đầu năm mới. Lễ hội làng Triều Khúc được tổ chức tôn nghiêm, văn minh, tạo không khí vui vẻ. Bắt đầu lễ hội là những nghi lễ quan trọng không thể thiếu như lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch… cùng hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng, múa lân, múa bồng. Đặc sắc nhất trong lễ hội chính là điệu múa bồng hay còn gọi là “con đĩ đánh bồng” - sản phẩm văn hóa độc đáo, là niềm tự hào lớn của người dân. Nguồn gốc của điệu múa bắt nguồn từ thế kỷ thứ VIII, đức vua Phùng Hưng trước khi vây hãm và hạ thành Tống Bình đã đóng quân tại làng Triều Khúc. Để khích động tướng sĩ, cũng là giải trí cho nghĩa quân, ngài cho binh lính đóng giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa bồng.

Nói về đặc trưng hội làng Triều Khúc, Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Duy Lưu cho biết: Hội làng Triều Khúc như bức tranh sống động của lễ hội văn hóa làng quê Việt Nam với các nghi thức tế lễ tôn nghiêm, linh thiêng trường tồn với thời gian, cùng phần hội vui tươi, náo nhiệt từ các trò chơi dân gian. Lễ hội từ lâu đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người trẩy hội bởi quy mô tổ chức, những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh các giá trị lịch sử dân tộc, giữ gìn nét văn hóa. Từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm, dù đi đâu, mỗi người con của làng đều trở về, hòa mình vào lễ hội. Ngày nay, hội làng Triều Khúc vẫn giữ được nét nguyên sơ, mang đậm cốt cách, nét đẹp tâm linh của lễ hội truyền thống giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nét nguyên sơ ấy đã, đang, sẽ lưu truyền, còn mãi bởi những người dân ở ngôi làng bình dị. Chính sự đặc biệt này giúp lễ hội truyền thống làng Triều Khúc được Bộ VHTT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.