Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc: Điểm nhấn khát vọng toả sáng

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/9, tại TP Chí Linh, Hải Dương đã tổ chức Hội nghị thông tin về Festival Chí Linh và Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc với chủ đề “Tinh hoa hội tụ - Khát vọng tỏa sáng", sẽ diễn ra trong 11 ngày, từ ngày 24/9 - 4/10/2023.

Chương trình Festival Chí Linh và Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc sẽ được tổ chức tại Quảng trường Sao Đỏ, Khu di tích Quốc gia đền Mẫu Sinh - đền Thánh Hóa và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh CTV
Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh CTV

Điểm nhấn năm nay là việc mở rộng không gian lễ hội và thời gian tổ chức cả ngày lẫn đêm. Với kỳ vọng góp phần quảng bá hình ảnh các giá trị nổi bật toàn cầu của di tích trong hành trình hoàn thiện hồ sơ trình Unesco công nhận di sản văn hoá thế giới đối với Quần thể di tích di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc. Bên cạnh đó sẽ diễn ra tuần lễ khai mạc văn hoá du lịch và xúc tiến thương mại.

Sự kiện Festival Chí Linh – Hải Dương 2023 nhằm quảng bá giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, giá trị lịch sử - văn hoá, tín ngưỡng, tiềm năng lợi thế khác biệt chiến lược phát triển của TP Chí Linh và Hải Dương. Chương trình có nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm quảng bá hình ảnh của TP Chí Linh để thu hút du khách.

Một trong những chương trình không thể thiếu được là vào tối ngày 30/9 sẽ diễn ra Lễ tưởng niệm 723 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Bên cạnh đó là lễ khai hội mùa Thu, khai mạc tuần văn hoá du lịch và xúc tiến thương mại, lễ khai ấn và ban ấn Đền Kiếp Bạc. Lễ tưởng niệm 581 năm ngày mất của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; lễ tế tại đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán.

Lễ hội năm nay hứa hẹn nhiều chương trình đặc sắc. Ảnh Vĩnh Quân
Lễ hội năm nay hứa hẹn nhiều chương trình đặc sắc. Ảnh Vĩnh Quân

Đây là một trong hai kỳ lễ hội truyền thống tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc và trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tâm linh cộng đồng dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.

Trong khuôn khổ của chương trình lễ khai mạc là màn bắn pháo bông tầm thấp, pháo hoa xoay... tạo ấn tượng đặc biệt, mở màn cho một Festival nhiều đặc sắc, mới lạ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Kiên – Chủ tịch UBND TP Chí Linh thông tin: “Phát huy các giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh nói chung và các giá trị di sản tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc nói riêng sẽ góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân để phấn đấu, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nét mới trong chương trình năm nay chính là tuần văn hoá du lịch hội Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ được tổ chức tại khu vực trải nghiệm Côn Sơn như các gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch tiêu biểu và sản phẩm nông sản đặc trưng của Hải Dương, các chương trình biểu diễn nghệ thuật để du khách thưởng thức và trực tiếp tham gia trải nghiệm như hát chèo, hát văn, ca trù”…

Phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và các giá trị di sản nói riêng tại Chí Linh. Lễ hội năm nay có nhiều chương trình như: Đêm hội trăng rằm, Lồng đèn thắp sáng ước mơ thiếu nhi Chí Linh - Hải Dương diễn ra tại Quảng trường Sao Đỏ. Chương trình không gian trải nghiệm “Trung thu Việt Nam” và trưng bày cặp bánh Trung thu kỷ lục (diễn ra trong 2 ngày, 28 và 29/9/2023 tại Quảng trường Sao Đỏ). Tại hoạt động có hơn 1.000 thiếu niên nhi đồng tham gia trải nghiệm nặn tò he, in tranh dân gian, làm đèn ông sao, trang trí đền lồng, trang trí mặt nạ giấy bồi, trang trí quạt giấy, làm bánh dẻo, cốm, bánh dày, chè kho... và trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập niêu.

Chương trình giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng được tổ chức tại Quảng trường để người dân và du khách tham quan trải nghiệm; đẩy mạnh cuộc tuyên truyền, vận động “Người Việt Nam- ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu đối với công tác tổ chức các tiểu ban nội dung, tuyên truyền; lễ tân, khánh tiết, hậu cần; an ninh trật tự, quảng bá văn hoá du lịch và xúc tiến thương mại sau khi có quyết định thành lập, khẩn trương xây dựng kế hoạch riêng để thực hiện các nội dung lễ hội theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức lễ hội một cách trang trọng, an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Cùng với các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá trước, trong và sau các hoạt động nghi lễ để hoàn thiện hồ sơ trình Unesco công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn – Kiếp Bạc là di sản thế giới. Ứng dụng chuyển đổi số, đa dạng hoá các hình thức, nội dung tuyên truyền về di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cũng như các điểm du lịch khác của tỉnh, trong đó có thể sử dụng các nền tảng công nghệ hỗ trợ để quảng bá tới du khách về du lịch Hải Dương.

Bảo đảm an ninh trật tự, giao thông an toàn và thông suốt, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cháy rừng, hoả hoạn trong khu vực di tích; ngăn chặn xử lý các trường hợp mê tín, dị đoan. Tổ chức tốt công tác đón tiếp khách mời, hướng dẫn và phục vụ Nhân dân tận tình...