Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh sẽ không có chèo kéo khách

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến tại hội nghị thông tin về công tác chuẩn bị Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh, khai trương du lịch Ba Vì và phát động Tết trồng cây Xuân Đinh Dậu 2017 tổ chức chiều 20/1.

Ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh dự kiến được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 10/2) kết hợp với phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Đinh Dậu. Đến nay, các xã, thị trấn tổ chức lễ hội năm 2017 đều đã xây dựng kế hoạch gửi về Phòng VHTT huyện tổng hợp, theo dõi, trong đó nêu rõ ngày, tháng cũng như phạm vi, quy mô, hình thức tổ chức.
 Ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì phát biểu tại hội nghị.

Đối với lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VHTT phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn, các xã Minh Quang, Ba Vì và Vườn quốc gia Ba Vì chuẩn bị các điều kiện trước, trong và sau lễ hội. Qua đó, quảng bá các giá trị văn hóa tín ngưỡng đậm đặc và hình ảnh huyện Ba Vì trên con đường phát triển.
Bên cạnh đó, Phòng VHTT huyện Ba Vì đã hướng dẫn và đề nghị UBND các xã, thị trấn kiện toàn lại Ban Quản lý di tích, thành lập Ban Tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Trong đó chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết và lễ hội, bố trí nơi trông xe hợp lý, tránh tình trạng mất mát tài sản của Nhân dân. Ông Bạch Công Tiến cho biết thêm, đối với lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, sẽ không có tình trạng chèo kéo khách và có bãi trông xe miễn phí cho người dân. Đồng thời huyện sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các dịch vụ biến tướng phát sinh trong thời gian diễn ra lễ hội.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, năm 2016, tổng doanh thu du lịch của huyện đạt 260 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2015. Tổng lượng khách du lịch đạt 2,6 triệu lượt, tăng 3,8% so với năm 2015. Đến nay, huyện Ba Vì có 18 đơn vị kinh doanh du lịch với các sản phẩm chủ yếu như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch hội thảo…
Du khách tới dâng hương tưởng nhớ Đức Thánh Tản Viên tại di tích Đền Trung, xã Minh Quang, huyện Ba Vì.
Với chủ đề “Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”, năm 2017, huyện Ba Vì phấn đấu đón 2,6 - 2,7 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt từ 270 - 280 tỷ đồng. Trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch. Huyện phấn đấu đến năm 2020 đón được 3,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 500 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5.000 lao động, thu hút 10.000 lao động địa phương tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có 394 di tích, tổng số di tích được xếp hạng là 96, trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt là Đình Tây Đằng, 46 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 49 di tích xếp hạng cấp TP. Ngoài những giá trị văn hóa vật thể quý hiếm mà các di tích đang bảo tồn còn có những giá trị văn hóa phi vật thể được tái hiện thông qua lễ hội. Năm 2017, huyện Ba Vì dự kiến có 28 lễ hội diễn ra, tập trung chủ yếu vào tháng Giêng, tháng Hai bao gồm cả phần hội và phần nghi lễ truyền thống như Tế Thánh rước kiệu…
Về tổ chức Tết trồng cây, huyện Ba Vì đặt mục tiêu trồng trên 20.000 cây xanh phân tán các loại, mỗi xã, thị trấn trồng từ 600 - 700 cây phân tán. Đồng thời thực hiện chăm sóc, phát triển và quản lý bảo vệ rừng hiện có của huyện 4.500ha.