Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ khai giảng ở ngôi trường có nhiều học sinh đặc biệt

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngôi trường ấy có những học sinh không nơi nương tựa đang được nuôi dưỡng ở Làng trẻ em SOS, học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ có nguy cơ mất sự chăm sóc của gia đình và các em đến từ cộng đồng dân cư xung quanh.

Trong không khí rộn ràng, vui tươi của lễ khai giảng năm học mới 2020 - 2021, sáng 5/9, Hiệu trưởng trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vũ Ngọc Hảo cho biết, trường Phổ thông Hermann Gmeiner đã trải qua hơn 26 năm hình thành và phát triển. Cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng được bổ sung, nâng cấp đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Thầy và trò nhà trường Hermann Gmeiner luôn cố gắng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích, xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng.

Những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, được nhà trường tặng học bổng Hermann Gmeiner và kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Ảnh: Oanh Trần.

Năm học 2020 - 2021, nhà trường tin tưởng vào sự nhiệt huyết, nỗ lực phấn đấu và phát triển bản thân, của từng thầy cô, cán bộ, nhân viên tạo thành một tập thể sư phạm đoàn kết, vững mạnh về mọi mặt.

Và mong muốn, mỗi học sinh là một học trò chăm ngoan, tích lũy nhiều kiến thức, hình thành nhiều kỹ năng cho bản thân trong môi trường hạnh phúc, có đủ phẩm chất và năng lực cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

“Nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh cùng chung tay xây dựng trường Hermann Gmeiner trở thành Ngôi trường hạnh phúc của chúng ta. Học sinh, thầy cô đến trường luôn được đảm An toàn - Hạnh phúc - Tràn đầy yêu thương” - ông Vũ Ngọc Hảo tin tưởng.

Nhiều em học sinh lớp 1 được giáo viên chủ nhiệm lau mồ hôi để các em bớt nóng. Ảnh: Oanh Trần. 

Trường Phổ thông Hermann Gmeiner nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy trực thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội, năm học 2020 - 2021 có tổng số 1.032 học sinh, 31 lớp, từ lớp 1 đến lớp 12. Trong đó, học sinh đến từ Làng trẻ em SOS Hà Nội là 125 em; mỗi con đều có hoàn cảnh đặc biệt riêng.

Những học sinh đến từ Làng trẻ em SOS Hà Nội được Làng trẻ em SOS Việt Nam cấp tiền học phí. Với những học sinh gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được nhà trường cấp học bổng Herman Gmeiner. Chủ trương của nhà trường là: Không vì lý do không có tiền mà các em bị thất học.

“Nhà trường coi trọng công tác bảo vệ trẻ em. Nhưng trước hết, điều quan trọng là nhà trường hiểu và xác định được đặc điểm tâm lý của từng em, từ đó có các biện pháp giáo dục mới đạt hiệu quả. Trường có phòng tham vấn tâm lý, chuyên gia tâm lý để chăm sóc ban đầu, những trường hợp các em có vấn đề nặng mới cần can thiệp” - Hiệu trưởng Ngọc Hảo thông tin.

Đặc biệt, trong năm học này, nhà trường sẽ phối kết hợp với giáo viên, phụ huynh cùng thống nhất giáo dục học sinh. Chủ trương của nhà trường là lấy kỷ luật tích cực để giáo dục học sinh.

Trường Phổ thông Hermann Gmeiner có 125 học sinh đến từ Làng trẻ em SOS, các em rất tự tin hoàn nhập môi trường mới. Ảnh: Oanh Trần.

Phấn khởi vì lần đầu tiên được tham dự buổi Lễ khai giảng ở trường Hermann Gmeiner, em Nguyễn Thế Nam đến từ Nhà Hoa Huệ, Làng trẻ em SOS vui vẻ nói: "Hôm nay con bắt đầu vào học lớp 1A1. Con vui khi được dự khai giảng đặc biệt, có đeo khẩu trang, được làm quen với nhiều bạn".

Trong khi đó, em Phạm Thị Thúy Linh - Học sinh lớp 2A2 vui mừng khi dự Lễ khai giảng lại được nhà trường cấp học bổng 2,5 triệu đồng. “Số tiền này, con sẽ đưa cho bà ngoại đóng tiền thuê phòng và để dành mua đồ Tết. Dịch Covid-19, bà ngoại chỉ bán hàng nước ở khu vực Mỹ Đình vào buổi chiều đến tối nên thu nhập rất ít” - em Thúy Linh nói.

Gắn bó với ngôi trường mang tên nhà sáng lập Hermann Gmeiner đến nay 6 năm, em Nguyễn Thị Phương Thảo - Học sinh lớp 10A3 vui vẻ khi được học với nhiều bàn có cùng hoàn cảnh. Các bạn học sinh khác rất hòa đồng, thân thiện với Thảo.

“Chúng tôi coi các em học sinh như nhau. Khi con nào gặp vấn đề tâm lý, chúng tôi sẽ tế nhị hỗ trợ. Có một số bạn đến từ Làng trẻ em SOS tự ti nhưng lại có những em được các mẹ ở làng nuôi dạy kỹ nên rất tự tin. Có bạn xung phong làm lớp trưởng, các bạn khác được giao chức danh khác thì rất nhiệt tình đón nhận” - Thầy Hoàng Văn Khánh, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A3 cho hay.