Lễ khai mạc Olympic đặc biệt chưa từng có sắp bắt đầu

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào lúc 20 giờ ngày 23/7 (18 giờ giờ Việt Nam), Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra tại Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo.

Thế vận hội mùa hè Tokyo – sự kiện bị trì hoãn 1 năm qua do đại dịch Covid-19 sắp chính thức bắt đầu với cuộc diễu hành của các vận động viên, bên trong một sân vận động gần như trống - hoàn toàn không có người tham dự.  Dù vậy, đây vẫn là cơ hội để quảng bá cho Xứ sở Hoa anh đào chủ nhà và khơi dậy niềm tự hào từ các quốc gia trên toàn thế giới.
Cụ thể, vào lúc 20 giờ ngày 23/7 (18 giờ, giờ Việt Nam), Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra tại Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo, chính thức khai màn các cuộc tranh tài của kỳ Thế vận hội mùa hè đặc biệt nhất trong lịch sử thể thao thế giới.
 Ảnh minh họa
Tại buổi lễ đặc biệt này, các hoạt động được tối giản tối đa nhằm hạn chế người tham dự. Trong đó, số lượng người tham gia cuộc diễu hành của các quốc gia, vốn được xem là trọng tâm của lễ khai mạc Olympic đã giảm đáng kể. Những chi tiết về các buổi diễn tập khai mạc được tiết lộ cho thấy sẽ diễn ra màn biểu diễn công nghệ cao bằng âm thanh và ánh sáng, trong đó có màn trình diễn máy bay điều khiển từ xa. Nhật hoàng Naruhito sẽ là người đứng đầu trong số các nhân vật quan trọng dự buổi lễ, cùng các nhà lãnh đạo thế giới và các nhân vật cấp cao như phu nhân Tổng thống Mỹ Jill Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19, lễ khai mạc sẽ kéo dài 3 giờ 30 phút, dài hơn so với kế hoạch ban đầu 30 phút nhằm tạo điều kiện cho các vận động viên thực hiện giãn cách. Số lượng thành viên các đoàn góp mặt cũng sẽ hạn chế hơn so với các kỳ thế vận hội trước. Các báo cáo cho thấy chỉ 6.000 trong số 11.000 vận động viên tham dự lễ khai mạc.
Lễ khai mạc Olympic Tokyo cũng sẽ không có các nhà tài trợ chính dự khán. Sau 1 năm bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19, công chúng Nhật Bản hầu như không còn hứng thú với việc đăng cai Olympic 2020, khi lo sợ sẽ có một làn sóng lây nhiễm mới từ các du khách nước ngoài đến dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Việc này khiến các nhà tài trợ truyền thống e ngại và từ chối tham gia kỳ thế vận hội lần này. 
Lễ khai mạc Tokyo 2020 cũng gặp một số bất thường trong quá trình xây dựng kịch bản với hàng loạt vụ sa thải những người có liên quan đến chương trình. Giám đốc của buổi lễ Kentaro Kobayashi đã bị sa thải 1 ngày trước khai mạc vì một phát ngôn nhạy cảm trong quá khứ. Cách đây 4 ngày, một nhà soạn nhạc cho buổi lễ từ chức khi bị cáo buộc lạm dụng các bạn học khuyết tật thời trẻ. Giám đốc sáng tạo của lễ khai mạc và lễ bế mạc Hiroshi Sasaki cũng đã từ chức vào tháng 3, sau khi đề nghị một nữ diễn viên hài ngoại cỡ xuất hiện trong vai một con lợn.
Tuy nhiên, bất chấp một loạt khó khăn cũng như nguy cơ bị hủy bỏ trước đó, Nhật Bản và ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 vẫn quyết tâm triển khai sự kiện, với thông điệp “Con người chiến thắng đại dịch” như câu slogan: “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn - Đoàn kết”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần