Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lệch lạc văn hóa bia, rượu

Lại Tấn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bia, rượu, những thứ đồ uống vốn được dùng trong những dịp vui, nay lại trở thành ngọn nguồn của vô số những câu chuyện không vui như: Ép không uống thì mất lòng, tự ái; uống quá chén, say xỉn, mất tự chủ, dẫn đến bạo lực, tai nạn giao thông...

 Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã chia sẻ một số góc nhìn về quan niệm uống rượu xưa và nay của người Việt.
Văn hóa uống rượu thời xưa
Sử dụng rượu bia ở mỗi vùng, miền có một nét đặc trưng, trở thành nét văn hóa riêng. Xin ông cho biết một số phong tục tập quán của người Việt trên cả nước trong việc sử dụng rượu?
- Ở vùng cao, mỗi một vùng có một đặc sản rượu riêng, chẳng hạn người Hà Nhì đen ở Y Tý (Lào Cai) có loại rượu hoẵng truyền thống nấu bằng mạch nước thiêng trong làng. Hàng năm, vào ngày 6/6 âm lịch, người Hà Nhì tổ chức lễ rước thần nước và nấu rượu. Khi rượu nấu xong, đồng bào nơi đây phải dâng lên thần linh và tổ tiên trước khi… cất đi, để dành cho những dịp trang trọng. Người Dao đỏ ở Lào Cai có hẳn một cuốn sách truyền thống, quy định những ngày nào trong năm là thời điểm phù hợp để nấu rượu, uống rượu.
Khi uống, bao giờ họ cũng nhấm nháp khá từ tốn, chậm rãi, chứ không “trăm phần trăm” như người đô thị. Còn với người La Hủ, loại rượu truyền thống của họ cũng là rượu cần như người Thái. Nhưng, tại các dịp đám cưới, đám hỏi, chén rượu cần bao giờ cũng được khiêng đi rất trịnh trọng, với những chiếc cần hút được cắm lên, mang dáng dấp của biểu tượng sinh thực khí.
Với người Mông, bữa rượu mang nét đặc trưng là tính cộng đồng… Hoặc với đám cưới của người Dao tuyển, việc rước dâu còn tái hiện hẳn một “cuộc chiến đấu” bằng rượu của những người trong cuộc. Khi nhà gái căng sợi dây đỏ chặn ở đầu làng, nhà trai sẽ được mời rượu, rồi phải hát đối đáp. Đối được thì dây mở ra để đi tiếp, bằng không thì cứ lấy rượu mà phạt.
Chúng ta thường vẫn giữ cách nghĩ mặc định rằng đồng bào vùng cao uống rượu nhiều, tới mức không có rượu là không giao tiếp cùng họ được. Theo ông quan niệm này có thật sự đúng?
- Nhìn chung, ở miền núi, rượu là thứ văn hóa không thể thiếu được. Người dân miền núi khi có khách là uống rượu. Người miền núi coi thời điểm uống rượu là dịp để dãi bày, tâm sự. Tôi nghiên cứu về văn hóa hóa dân gian, không uống được rượu cũng là một hạn chế. Cho nên, chúng tôi trước khi đến nhà dân để hỏi thăm, làm việc với những ông trưởng thôn, già làng đều phải lót dạ bằng cơm nguội rồi cùng với họ “ngà ngà” để nói chuyện. Trước đây, đồng bào cũng không có tục ép rượu. Ai uống được bao nhiêu thì uống, mọi thứ đều bình đẳng.
 Tình trạng lạm dụng bia, rượu ngày càng tăng cao. Ảnh: Chiến Công
Vậy theo ông, uống rượu, bia có được coi là nét văn hóa truyền thống của Việt Nam không?
- Từ xưa đến nay, cũng chưa có công trình nào nghiên cứu về văn hóa uống rượu của người Việt. Dù ở đồng bằng hay tại vùng cao, chuyện nát rượu, hay thói quen uống rượu giải khuây bao giờ cũng có. Và khi sự phản cảm ấy xuất hiện nhiều, vượt qua ranh giới cần thiết thì văn hóa sẽ trở thành phản văn hóa.
Nói về bia, đến khi người Pháp đến đô hộ, bia mới du nhập vào nước ta. Nhưng khi đó, bia cũng rất đắt, chỉ có tầng lớp trung lưu, những người dân đô thị mới thưởng thức. Người ta uống bia cũng vừa phải. Đặc biệt, có một tầng lớp trí thức, thường vào cuối ngày họ uống bia rượu hoặc cuối tuần. Nhà văn, nhà thơ khi có nhuận bút hoặc có niềm vui đều có sử dụng bia rượu. Họ đều quý những sản vật như vậy.
Ép rượu - sản phẩm xã hội hiện đại
Người xưa khi uống rượu đặt ra quy tắc uống 3 chén là đủ. Tuy nhiên, ngày nay thói quen ép bia, ép rượu đang ngày càng phổ biến. Việc sử dụng bia, rượu đang ngày một biến tướng dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc trong xã hội như tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự. Theo ông, nhìn nhận thế nào về thực tế này?
- Trong văn hóa của người Việt thường có con số 3 rất quan trọng. Các cụ vẫn nói, cơm 3 bát, áo 3 manh, và ai giỏi lắm thì uống 3 chén rượu. Những năm gần đây, chúng ta uống bia, rượu là thường xuyên.
Đặc biệt, hiện nay có hiện tượng ép bia, ép rượu, tôi nghĩ rằng đó là sản phẩm nảy sinh trong xã hội hiện đại khi nhu cầu khẳng định mình ngày càng được đặt lên cao, con người ta bắt đầu chú trọng tới việc uống rượu như một cách chứng tỏ tửu lượng của mình. Các “con sâu” rượu, bên cạnh ép mình còn ép bằng được những người xung quanh cùng cạn chén. Và cả một lý do nữa, cuộc sống ở đô thị với muôn vàn sức ép càng khiến con người ta có nhu cầu vui hết cỡ, vui xả láng khi ngồi vào mâm rượu.
Ở đô thị, buổi trưa, cán bộ nhân viên nhiều cơ quan uống rượu bia đến mức buổi chiều không làm được việc. Sau đó UBND các tỉnh ra văn bản cấm uống rượu buổi trưa nhưng dân công sở, thanh niên buổi tối lại tìm đến bia rượu. Sử dụng bia rượu như vậy tác động đến nếp sống gia đình.
Chưa kể, người sau khi uống rượu bia xong điều khiển phương tiện, gây tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông hiện nay thường tập trung nhiều vào khoảng thời gian từ 8 - 9 giờ tối là vì đó là giờ những người quá chén ra đường.
Ngoài ra, uống rượu bia còn ảnh hưởng đến công việc, gia đình và văn hóa giao tiếp. Khi đã sử dụng bia rượu, người uống giao tiếp với nhau thường không làm chủ được bản thân, xảy ra nhiều trường hợp “sửng cồ”, dẫn đến nhiều hành vi thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, bia rượu cũng gây nguy hại đến sức khỏe. Con người không thể thao chỉ có rượu bia thì tuổi thọ sẽ bị rút ngắn.
Hiện nay, những quán bia rượu xuất hiện tràn lan, quán tạp hóa khắp nơi cũng bán bia, rượu... 
- Theo tôi tình trạng này có thể nhìn nhận ở nhiều góc độ, trước hết khi kinh tế phát triển, ai cũng có đồng tiền để uống bia rượu vì giá bia rượu còn rẻ. Thứ hai, điều kiện lao động hiện nay căng thẳng, nhiều người có thói quen uống bia rượu để giải tỏa áp lực. Khi nhu cầu người dân ngày càng nhiều thì càng có nhiều quán bia hơn để đáp ứng.
Xuất phát từ thói quen uống bia rượu chỉ là để giải tỏa nhưng hiện nay có người ngày nào cũng giải tỏa thì thành “nát rượu, bê tha”.
Bên cạnh đó, tình trạng bàn công việc, hợp tác làm ăn trên bàn nhậu đã trở thành thói quen. Họ tụ tập thành những câu lạc bộ, giống như thời bao cấp, nhà văn, nhà thơ phải có một quán trà, cà phê bình thơ, đọc văn hay giới thiệu tác phẩm mới. Thế nhưng, bia rượu có tác động khác với trà, cà phê là khi uống sẽ kích thích, đã kích thích càng thăng hoa. Người uống càng tỏ ra tâm lý cái tôi, tâm lý ganh đua dẫn đến nhiều hệ lụy như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình.
Xử lý mạnh tay “ma men”
Theo ông, cần có những biện pháp gì để giảm số lượng tiêu thụ rượu bia ở nước ta?
- Bây giờ, chúng ta bảo người dân hãy quay về những năm bao cấp, chỉ uống 3 chén rượu hay vài cốc bia thì không ai nghe. Theo tôi, Nhà nước cần đánh thuế cao với rượu bia. Bên cạnh đó cần tuyên truyền để một bộ phận người Việt cũng nên từ bỏ các thói quen liên quan đến rượu bia.
Nhà nước nên tuyên truyền thường xuyên để người dân hiểu và thay đổi văn hóa uống bia rượu. Tôi lấy một phạm vi hẹp của cơ quan là Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai, khi xảy ra liên tiếp các vụ việc tai nạn giao thông khi sử dụng bia rượu gây thiệt mạng từ Đảng ủy đến các chi bộ đều tuyên truyền và UBND tỉnh ra một văn bản cấm uống rượu bia buổi trưa. Bây giờ, tôi thấy tình trạng uống bia rượu ở Lào Cai giảm hẳn vì người ta nhận ra những nguy hiểm khi sử dụng bia rượu.
Người dân cũng nhận thức rằng, rượu cũng không còn nguyên chất như xưa, có nhiều độc tố (thuốc diệt cỏ, trừ sâu) nên nhu cầu sử dụng bia rượu cũng giảm. Mặt khác, ở 3 môi trường là công sở, gia đình và xã hội cần có 3 chế tài xử lý nghiêm về rượu. Ở cơ quan, người đứng đầu phải ban hành quy chế riêng. Khi ra đường, cơ quan chức năng xử phạt nghiêm và khi về nhà vợ con cũng nên có một chế tài.
Thái Lan hoặc một số nước họ rất văn minh, không ép nhau uống rượu. Nước Nga từ một nước có lượng tiêu thụ rượu bia cao hàng đầu thế giới, nhờ nhiều chiến lược họ đã giảm đáng kể tỷ lệ uống rượu bia. Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi được từ các nước bạn?
- Việt Nam không chỉ học hỏi từ Thái Lan, từ Nga mà các nước như Đức, không để tình trạng uống rượu bia là thường xuyên, mà chỉ diễn ra trong lễ hội uống rượu bia. Chúng ta phải có cơ chế tuyên truyền mạnh. Xóa bỏ tâm lý của một bộ phận người sử dụng rượu bia thích chơi trội, thể hiện tài năng trên bàn bia rượu; tâm lý đám đông, kích động.
Xin cảm ơn ông!