Lên phương án ôn tập sớm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không có cấu trúc đề thi hay hướng dẫn ôn tập trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là...

Kinhtedothi - Không có cấu trúc đề thi hay hướng dẫn ôn tập trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là điểm khác biệt lớn so với những kỳ thi trước đây. Vì thế, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, đa số các trường THPT ở Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch ôn tập cho học sinh (HS) lớp 12 khá sớm.

Tâm lý ổn định 

 Theo dự kiến, Hà Nội có ít nhất 8 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Qua khảo sát của phóng viên, đến thời điểm này, cơ bản các trường đã có kế hoạch ôn tập và chuẩn bị tâm lý cho HS trước kỳ thi.

Ông Nguyễn Tu Tập - Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, ngoài dạy, học đúng chương trình khung của Bộ GD&ĐT, trường đã lên kế hoạch ôn tập cho HS từ cuối học kỳ I. "Song song dạy chương trình khung của Bộ, trường tăng cường ôn tập 3 môn thi bắt buộc Toán, Văn và Ngoại ngữ cho HS từ tuần thứ 3 của học kỳ II. Ngoài ra, các môn Sinh, Sử, Địa (môn thi tự chọn), mỗi lớp khoảng 20 - 30 HS, trường cũng có kế hoạch, bố trí giáo viên dạy, hướng dẫn ôn tập cho các em vào các buổi chiều. Sau 15/3, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể, trường sẽ có những điều chỉnh tiếp theo cho việc dạy - học phù hợp" - ông Tập nói và cho biết thêm, mặc dù có những thay đổi, đổi mới trong thi cử, nhưng về cơ bản thời điểm này, tâm lý HS ổn định, không xáo trộn.

 
Giờ ôn tập môn Toán của học sinh trường THPT Việt Đức. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giờ ôn tập môn Toán của học sinh trường THPT Việt Đức. Ảnh: Phạm Hùng
Lên kế hoạch cho kỳ thi THPT quốc gia khá sớm, lãnh đạo trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết, sắp xếp lịch học cho các môn thi khá phức tạp, nhưng Ban Giám hiệu cũng đã bố trí cho HS học ôn theo môn đăng ký thi. Cũng tổ chức hướng dẫn, ôn tập cho HS ngay đầu học kỳ II, bà Nguyễn Thị Phương Anh - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Trường đã tổ chức ôn tập và có những hướng dẫn cho HS ngay từ đầu học kỳ II, do đó, tâm lý HS khá ổn định. Bên cạnh tập trung dạy theo chương trình thì việc tư vấn cho HS lớp 12 và phụ huynh về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới được nhà trường thực hiện thường xuyên. Đối với một số HS thi chéo môn, ví dụ HS học ban D, nhưng thi thêm khối C, các em phải học thêm môn Lịch sử, Địa lý. Nhà trường sẽ dành tiết 5 ngày thứ Tư và thứ Bảy trong tuần để các em thi chéo ôn tập thêm.

Nhà trường quản lý học sinh

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2014 - 2015, HS lớp 12 sẽ kết thúc chương trình vào cuối tháng 5/2015. Trong khi đó kỳ thi quốc gia sẽ diễn ra đầu tháng 7. Vậy trong tháng 6, HS sẽ tiếp tục đến trường ôn tập hay tìm tới các "lò luyện"? Đây là lo lắng của không ít phụ huynh và thầy cô giáo hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, PGS Văn Như Cương (trường THPT Lương Thế Vinh) cho  rằng, nhà trường cần tổ chức cho các em ôn thi kết hợp với sự hướng dẫn của thầy cô giáo. "Lớp 12 năm nay sẽ có thời gian kéo dài thêm một tháng trước kỳ thi, nếu chúng ta không có biện pháp quản lý các em thì kết quả đạt được sẽ không cao, HS có thể sẽ đua nhau đến các lò luyện thi. Thậm chí HS ngoại thành cũng có thể đổ về nội thành để học thêm, đó là điều phức tạp, nếu chưa có chủ trương chung, theo tôi, các trường cần có biện pháp quản lý HS của mình" - PGS Cương bày tỏ quan điểm.

Bà Phương Anh cũng cho biết, trong tháng 6, nhà trường kết hợp với phụ huynh tổ chức các lớp ôn tập cho các em, tuy nhiên, nếu HS nào thấy không thấy cần thiết có thể tự tìm phương pháp ôn tập riêng. Được biết, trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cũng dự kiến tổ chức ôn tập cho HS theo nhu cầu.

Về phía các nhà quản lý ngành, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã sơ lược kế hoạch cho một tháng "đệm" sau học kỳ II và trước kỳ thi THPT quốc gia. Hà Nội sẽ tổ chức cho HS lớp 12 ôn tập thêm, kế hoạch cụ thể sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.

 
Theo dự kiến, ngoài 8 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, Hà Nội sẽ thành lập cụm thi địa phương dành cho thí sinh (TS) có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, số lượng TS tối thiểu để tổ chức cụm thi là phải có từ 2 phòng thi trở lên (mỗi phòng thi có nhiều nhất là 40 TS) để không gây tốn kém, phức tạp trong khâu tổ chức. Trường hợp ít TS thuộc diện này, Sở sẽ đề xuất bố trí cho các em thi cùng với các TS tại các cụm thi trường ĐH.
Ông Nguyễn Hữu ĐộGiám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần