Địa điểm diễn ra vụ tấn công được cho không liên quan trực tiếp đến các vụ tấn công bằng tên lửa, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết ông 'tin tưởng" rằng nó là nơi lực lượng dân quân Shia "do Iran hậu thuẫn" đã bắn rocket vào lực lượng Mỹ và liên quân.
"Chúng tôi biết mình đã tấn công những gì. Chúng tôi đã cho phép và khuyến khích người Iraq điều tra cũng như phát triển thông tin tình báo và điều đó rất hữu ích cho chúng tôi trong việc xác định mục tiêu", ông Austin nói trên chuyến bay trở về Washington từ San Diego hôm 25/2.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN rằng, "có một số ít" chiến binh đã thiệt mạng trong các cuộc không kích.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, các cuộc không kích diễn ra "theo chỉ đạo của Tổng thống Biden" và được ủy quyền không chỉ để đáp trả các cuộc tấn công gần đây chống lại lực lượng Mỹ và liên quân mà còn để đối phó với "các mối đe dọa đang diễn ra".
"Hoạt động này gửi đi một thông điệp rõ ràng: Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ các nhân viên liên quân Mỹ. Đồng thời, chúng tôi đã hành động một cách có chủ ý nhằm giảm leo thang tình hình chung ở cả miền Đông Syria và Iraq", ông Kirby nói.
Đầu tuần này, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki thông báo Mỹ buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các hành động của lực lượng ủy nhiệm của họ trong thời gian qua.
Mở đầu là một cuộc tấn công bằng tên lửa vào ngày 15/2, nhằm vào lực lượng liên quân gần Sân bay Quốc tế Erbil ở Kurdistan của Iraq đã giết chết 1 nhà thầu dân sự và làm bị thương 9 người khác, trong đó có 5 người là người Mỹ.
Cuối tuần qua, ít nhất 4 quả rocket đã tấn công căn cứ không quân ở phía Bắc Baghdad, nơi một công ty quốc phòng Mỹ hoạt động trên các máy bay chiến đấu của Iraq. Sau đó, vào ngày 22/2, 2 tên lửa đã rơi xuống khu vực quốc tế của Bahgdad - nơi có nhiều đại sứ quán nước ngoài - nhưng không có báo cáo nào về thương tích hoặc thiệt hại.
Tuy nhiên, động thái của Mỹ gây tranh cãi khi diễn ra trong bối cảnh Washington và Tehran, đang định hướng cho các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, có khả năng làm phức tạp một quá trình vốn đã mong manh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh phủ nhận mọi mối liên hệ với vụ tấn công ngày 15/2 ở Erbil, và Iran đến nay chưa nhận trách nhiệm về bất kỳ cuộc tấn công nào khác.
"Trong khi những tin đồn này đã bị bác bỏ mạnh mẽ, nỗ lực không rõ ràng để gán nó cho Iran cũng đáng bị lên án mạnh mẽ", ông Khatibzadeh cho biết, theo một báo cáo ngày 16/2 của hãng thông tấn nhà nước Iran Mehr.
Theo CNN, quyết định của chính quyền Biden còn có thể tạo ra căng thẳng với các nhà lập pháp - những người sẽ ủng hộ chương trình nghị sự của Tổng thống và là những người mà ông sẽ cần sự hỗ trợ trong tương lai.
"Điều này khiến ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ thứ 5 liên tiếp ra lệnh tấn công ở Trung Đông", Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói, "Tổng thống không nên tự ý thực hiện những hành động này, khi chỉ dựa vào các luật đã lỗi thời".