Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lệnh trừng phạt: Công cụ nguy hiểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) 21/12 vừa qua, các giới chức EU đã quyết định...

Kinhtedothi - Sau cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) 21/12 vừa qua, các giới chức EU đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng trừng phạt kinh tế Nga cho đến ngày 31/7 năm sau. Tới lúc đó là tròn 2 năm kể từ khi những biện pháp này được EU áp đặt lên Moscow. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là lợi ích thực tiễn của những biện pháp này hay chúng chỉ là công cụ “ve vuốt” lòng kiêu hãnh của các cường quốc trên thế giới?

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine từ tháng 3/2014 đã đẩy mối quan hệ giữa châu Âu và Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. EU lần đầu tiên áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga từ tháng 7/2014. Ngay lập tức, điện Kremlin trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu một loạt thực phẩm lương thực thực phẩm từ các nước EU. Đối với mỗi gói trừng phạt của phương Tây, Nga đều có các đợt trả đũa tương ứng.

Dù ông chủ điện Kremli Vladimir Putin hay giới chức Nga đều lên tiếng khẳng định nền kinh tế của Moscow không bị ảnh hưởng bởi các lệnh này. Tuy nhiên, áp lực đặt lên nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới đã quá rõ ràng, nhất là khi giá dầu – nhiên liệu vốn đem lại tới 50% GDP cho Moscow tiếp tục lao dốc không phanh. Trong quý III/2015, nền kinh tế Nga đã sụt giảm 4,1%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây ước tính, các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể khiến Nga “bốc hơi” khoảng 9% GDP trong trung hạn.

Đối với EU, những đòn trả đũa của Nga cũng đem đến hệ lụy không kém lợi hại. Tình trạng dư thừa các sản phẩm nông sản sau khi thị trường nhập khẩu màu mỡ là Nga đóng cửa đã kéo tụt giá các sản phẩm này. Theo tính toán của Nghị viện châu Âu, ít nhất 9,5 triệu chủ trại sản xuất nông nghiệp EU bị thiệt hại do lệnh cấm nhập khẩu của Nga. Một nạn nhân tiêu biểu là Pháp. Chưa thể quên việc hàng loạt nông dân Pháp chặn biên giới nhập khẩu sữa hồi tháng 9, giá sữa xuống thấp do thị trường Nga đóng cửa kết hợp với nguồn cung giá rẻ từ nước ngoài khiến cuộc sống của họ vô cùng khó khăn. Chỉ trong năm 2014, các biện pháp trả đũa của Nga khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Pháp giảm gần 1/4. Trong bối cảnh EU đang đối diện với 3 khủng hoảng từ núi nợ của Hy Lạp, làn sóng người di cư và bóng ma khủng bố, những biện pháp này sẽ còn phương hại tới châu Âu hơn nữa.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, việc dỡ bỏ các biện pháp cô lập kinh tế Nga phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự thành công của thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Cái dây hy vọng này lại mong manh hơn bao giờ hết khi Minsk từng bị đánh giá là một trong những thỏa thuận bị vi phạm nhiều nhất từ trước tới giờ. Và như vậy, mục đích hòa bình của các lệnh trừng phạt được EU đưa ra nhằm loại trừ Moscow khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine đang dần trở nên vô nghĩa. Theo Tổng thống Nga Putin, EU thiếu độc lập khi đưa ra các quyết sách ngoại giao và chịu ảnh hưởng quá mức từ Washington.

Có thể thấy, lệnh trừng phạt không phải là giải pháp mà là một công cụ có thể gây tổn thương cho cả bên ban hành và bên bị áp đặt. Dù vậy, trong lúc kinh tế vẫn là thước đo quan trọng của vị thế, công cụ nguy hiểm này vẫn được các “ông lớn” áp dụng như một cách thử bản lĩnh của bên đối lập.