Thẩm phán John Coughenour mới đây đã chấp thuận yêu cầu của Tổng chưởng lý bang Washington Nick Brown và 3 bang khác nằm dưới sự quản lý của đảng Dân chủ về lệnh khẩn cấp hoãn việc thực hiện chính sách trên của ông Trump.
"Đây là sắc lệnh vi hiến một cách trắng trợn", vị thẩm phán này tuyên bố trong phiên điều trần tại thành phố Seattle, bang Washington ngày 23/1, liên quan vụ kiện nhằm chặn sắc lệnh bãi bỏ quyền công dân cho người sinh ra tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump.
Phán quyết của thẩm phán Coughenour, người từng được cố tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm, sẽ khiến sắc lệnh bị hoãn thực thi trong vòng 14 ngày. "Thành thật mà nói, tôi không thể hiểu sao một thành viên của Bộ Tư pháp có thể tuyên bố rõ ràng là sắc lệnh này hợp hiến," ông nói thêm.
Tổng thống Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ kháng cáo, trong khi Bộ Tư pháp cho biết sẽ bảo vệ sắc lệnh hành pháp "diễn giải đúng Hiến pháp Mỹ".
"Chúng tôi mong muốn trình bày lập luận đầy đủ về vấn đề này trước tòa án và người dân Mỹ, những người đang rất mong muốn luật pháp của đất nước chúng ta được thực thi," người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ nói.
Theo sắc lệnh được Tổng thống Trump ký hôm 20/1, chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, chính quyền liên bang sẽ không cấp hộ chiếu, giấy chứng nhận quốc tịch hoặc các giấy tờ khác cho trẻ em có mẹ đang ở Mỹ bất hợp pháp hoặc tạm thời, và có cha không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump, nếu được duy trì, sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký. Ông thừa nhận rằng sắc lệnh có khả năng phải đối mặt những thách thức pháp lý.
Tổng chưởng lý ở 22 bang ngày 21/1 đệ đơn kiện để chặn sắc lệnh của Tổng thống Trump, khẳng định động thái này đã vi phạm Hiến pháp Mỹ. Tổng chưởng lý bang Washington Nick Brown chỉ trích sắc lệnh của ông Trump là "phi Mỹ".
Tu chính án thứ 14 mà quốc hội Mỹ phê chuẩn năm 1868 nêu rõ "tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch vào Mỹ, chịu sự quản lý của Mỹ, đều là công dân Mỹ và bang nơi họ cư trú". Chính sách này nhằm đảm bảo rằng con cái của những nô lệ được đưa tới Mỹ trái với ý muốn của họ đều được công nhận là công dân Mỹ.
Giới quan sát cho rằng ngôn ngữ trong Tu chính án thứ 14 rất rõ ràng, khẳng định bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ của Mỹ đều mặc nhiên trở thành công dân. Quyền này còn được gọi là jus soli, tức là "quyền của người sinh ra trên lãnh thổ".
Kể từ đó, quyền này đã được áp dụng cho mọi trẻ em sinh ra tại Mỹ, bất kể bố mẹ của đứa trẻ là người nhập cư bất hợp pháp hay đến Mỹ bằng thị thực du lịch hoặc du học sinh.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, ông Trump và các đồng minh luôn coi đây là "quy định lố bịch", thúc đẩy nhiều người đến Mỹ bất hợp pháp hoặc "du lịch sinh con". Họ nhấn mạnh quyền này đang bị lạm dụng và cần siết chặt các điều kiện trở thành công dân Mỹ.