Leo thang trừng phạt, các bên đều thiệt hại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi ký thỏa thuận sáp nhập lịch sử vào Liên bang Nga, Crimea sẽ chuyển sang múi giờ chuẩn của Nga từ ngày 30/3, đồng rúp trở thành đơn vị tiền tệ chính thức từ tháng 4 và đường ranh giới giữa Crimea và Ukraine sẽ được thiết lập vào mùa hè này…

Tuy nhiên, nỗ lực đẩy nhanh tiến trình sáp nhập này không phải là không có những khó khăn.

 
Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Crimea sau lễ ký thỏa thuận sáp nhập. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Crimea sau lễ ký thỏa thuận sáp nhập. Ảnh: AFP
Theo Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov, vấn đề đau đầu nhất hiện nay là làm thế nào để ổn định hoàn toàn hệ thống tài chính dưới sự quản lý của Liên bang Nga cũng như đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Crimea cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn và du lịch, vốn là ngành kinh tế chủ lực của bán đảo này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lượng du khách được dự báo sẽ giảm 30% trong năm 2014. Với Nga, việc đảm bảo nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân Crimea, hiện đang phụ thuộc phần lớn vào Ukraine là một vấn đề lớn. Dự kiến, trong vòng 5 năm tới, Nga phải bỏ ra khoảng 10 tỷ USD/năm để xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ cấp lương hưu và các khoản an sinh xã hội cho gần 2 triệu người dân Crimea.

Bên cạnh những vấn đề nội tại của Nga và Crimea, các nhà quan sát cho rằng, các đòn trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và một số nước áp dụng với Moscow có thể sẽ tạo ra một giai đoạn căng thẳng mới cho nền kinh tế toàn cầu và gây tổn thất cho tất cả các bên. Hiện, kim ngạch xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm 1% GDP của EU, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm  gần 15% GDP của Nga nên Moscow có vẻ là bên chịu thiệt hại nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đã thực hiện khá tốt việc đa dạng hóa các thị trường quốc tế, nên ngoài EU, Moscow vẫn có thể tận dụng hỗ trợ từ nhiều nơi khác để duy trì kinh tế, đặc biệt từ các thị trường đang phát triển như châu Phi và châu Á. Quan trọng hơn, Nga đang cung cấp tới 30% lượng khí đốt tự nhiên cho EU nên nếu áp đặt các lệnh trừng phạt, EU sẽ phải trả mức giá cao hơn để mua nhiên liệu từ các đối tác khác. Giới chức Đức cũng hy vọng, các đòn trừng phạt Nga sẽ chỉ nhằm vào một số lãnh đạo nước này vì nếu Moscow thực hiện các đòn trả đũa như Tổng thống Nga đã tuyên bố, EU sẽ là bên thua cuộc trong cuộc chơi trừng phạt giữa các chính trị gia.

 
Ngày 19/3, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Đức Merkel, hai nhà lãnh đạo khẳng định, sẵn sàng đàm phán với Moscow để làm dịu căng thẳng tại Ukriane. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon hối thúc các bên liên quan cần nối lại các cuộc "đối thoại mang tính xây dựng" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.