LHQ tăng viện trợ cho các khu vực khẩn cấp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 18/1, Liên hợp quốc bắt đầu phân bổ khoảng 84 triệu USD viện trợ nhân đạo cho hàng chục địa điểm cần được cứu trợ khẩn cấp trên thế giới, nơi người dân đang bị ảnh hưởng bởi nạn đói, suy dinh dưỡng, bệnh tật, thay đổi chỗ ở và xung đột.

KTĐT - Ngày 18/1, Liên hợp quốc bắt đầu phân bổ khoảng 84 triệu USD viện trợ nhân đạo cho hàng chục địa điểm cần được cứu trợ khẩn cấp trên thế giới, nơi người dân đang bị ảnh hưởng bởi nạn đói, suy dinh dưỡng, bệnh tật, thay đổi chỗ ở và xung đột.

Bà Valerie Amos, giám đốc Văn phòng Phối hợp Các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc và cũng là Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, đã thông báo trích các khoản tiền để cung cấp cho 15 nước từ Quỹ đối phó khẩn cấp trung tâm (CERF,) một quỹ nhân đạo do Liên hợp quốc thành lập để hỗ trợ nhân đạo kịp thời và hiệu quả cho các nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai và xung đột vũ trang.

Đây là đợt cứu trợ đầu tiên của CERF cho các khu vực khẩn cấp năm 2011 và đợt hai sẽ diễn ra vào tháng 7/2011.

OCHA cho biết, số tiền trên sẽ được cấp cho các cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc, Tổ chức Quốc tế về Nhập cư, các tổ chức đối tác và thông qua họ đến các tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ các dự án nhân đạo tại các nước bị ảnh hưởng.

Các nhóm cứu trợ nhân đạo tại 15 nước và các vùng lãnh thổ được lựa chọn để tiếp nhận các khoản viện trợ của CERF trên cơ sở phân tích mức độ và nhu cầu nhân đạo ở các nước.

Theo kế hoạch, các nhóm nhân đạo tại Somalia sẽ nhận khoản cứu trợ khẩn cấp lớn nhất 15 triệu USD; tiếp đó các cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc ở Ethiopia nhận khoản cứu trợ lớn thứ 2 khoảng 11 triệu USD; các cơ quan cứu trợ tại Cộng hòa Chad sẽ được cung cấp 8 triệu USD và các đối tác nhân đạo tại Kenya sẽ tiếp nhận 6 triệu USD để giúp đỡ những người tị nạn.

Các chương trình nhân đạo tại mỗi nước Cộng hòa Trung Phi, Triều Tiên, Sri Lanka và Zambia sẽ tiếp nhận khoảng năm triệu USD, trong khi các chương trình giúp đỡ người dân ở Burundi, Madagascar và khu vực lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, mỗi nơi sẽ tiếp nhận bốn triệu USD.

Các cơ quan nhân đạo tại Colombia, Gibuti và Myanmar, mỗi nơi tiếp nhận ba triệu USD để thúc đẩy các chương trình khẩn cấp và Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tiếp nhận ba triệu USD cho những người tị nạn Iraq và Afghanistan.

Hàng năm, CERF được cung cấp ngân quỹ nhờ sự đóng góp tự nguyện của các nước thành viên, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các chính phủ khu vực, các nhà tài trợ thuộc khu vực tư nhân và các cá nhân.

Từ năm 2011 đến nay, các nhà tài trợ cam kết đóng góp cho CERF gần 358 triệu USD. CERF sẽ trích 1/3 tổng số ngân quỹ thu được mỗi năm để khôi phục sự cân bằng trong việc phân phối viện trợ toàn cầu bằng cách hỗ trợ các cuộc khủng hoảng chưa được quan tâm đúng mức.

Từ năm 2006 đến nay, CERF cung cấp gần hai tỷ USD để hỗ trợ hàng triệu nạn nhân của các thảm họa thiên nhiên và xung đột ở gần 80 nước trên thế giới./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần