Dù vậy, cuộc chơi chiến lược ở nơi này chỉ sẽ thay đổi nếu Mỹ và Hàn Quốc thực sự triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Chủ định này đã được Mỹ và Hàn Quốc tung ra ngay sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo mà hai nước này cho rằng mục đích chính của Triều Tiên là thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Trước đó, Triều Tiên đã tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Cả hai động thái này đều không những chỉ bất chấp sự cấm đoán của LHQ thể hiện ở 4 nghị quyết của HĐBA LHQ mà còn bị Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản coi là hành động khiêu khích và đe doạ an ninh của họ.
Đến nay, Mỹ chỉ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở đảo Guam giữa Thái Bình Dương và Nhật Bản không giấu diếm mong muốn cùng Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa như thế trên lãnh thổ Nhật Bản, nhưng Mỹ chưa chấp thuận bởi cho rằng việc ấy chưa thật sự cần thiết. Cho dù Mỹ và Hàn Quốc quả quyết là chỉ nhằm để đối phó chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, chủ định này của họ đã bị Trung Quốc và Nga phản đối ngay lập tức. Hai nước này lo ngại Mỹ cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản mượn gió bẻ măng, lấy cớ đối phó CHDCND Triều Tiên để tăng cường vũ trang và làm thay đổi tương quan lực lượng quân sự ở khu vực.
Trung Quốc còn không thể không nghi ngại rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa này để đối phó với mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trong đó không thể thiếu đối phó việc Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines và một số quốc gia khác. CHDCND Triều Tiên lại càng phải lo ngại vì hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại này đối phó rất hữu hiệu những cuộc tấn công bằng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Nhật Bản mừng thầm vì một khi Mỹ đã hợp tác như vậy với Hàn Quốc thì chuyện hợp tác tương tự với Nhật Bản chỉ còn là vấn đề thời gian. Cùng trong một chuyện thôi mà ba đối tác này mừng, ba đối tác kia lo.