Trong cuộc chiến này, người ta cho rằng dầu mỏ là căn nguyên chính của mọi vấn đề và trong công cuộc tái thiết đất nước, việc khôi phục sản xuất “vàng đen” sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới. Cuộc chiến Libya - yếu tố chi phối giá dầu Trước khi cuộc chiến bùng phát vào tháng Hai vừa qua, sản lượng dầu mỏ của Libya đạt 1,6 triệu thùng/ngày và là nước sản xuất dầu mỏ đứng thứ tư châu lục. Dầu mỏ chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu và 75% ngân sách của Libya; với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi (khoảng 46,5 tỷ thùng), Libya có thể tiếp tục khai thác trong vòng 8 thập niên nữa. Có thể nói dầu mỏ là con dao hai lưỡi đối với Libya, khi vừa là một nguồn thu quan trọng đối với đất nước, vừa là mối hiểm nguy đe dọa sự ổn định về an ninh, chính trị của quốc gia. Dầu mỏ là lá bài để Libya tạo dựng các mối quan hệ hữu nghị, giải quyết các vấn đề tình thế với phương Tây, song cũng chính nó là tiền đề cho cuộc không kích của liên quân vào nước này. Chế độ thay đổi ở Libya sẽ giúp các hãng dầu mỏ quốc tế không những không bị quốc hữu hóa mà còn thu hồi được vốn đầu tư. Trong những tháng xảy ra chiến sự tại Libya, diễn biến của cuộc chiến là một trong những nhân tố gây nên sự trồi sụt của giá dầu trên thị trường thế giới. Giá dầu tăng cao khi tình hình chiến sự leo thang và có phần lắng dịu khi có những thông tin tích cực từ cuộc chiến này. Trong phiên giao dịch ngày 5/4, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Năm năm nay tại London lần đầu tiên kể từ ngày 22/8/2008 vượt ngưỡng 120 USD/thùng, còn tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao cùng kỳ hạn tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 tháng, do giới kinh doanh lo ngại về các cuộc tấn công nổi dậy kéo dài tại Libya. Đến ngày 22/8, giá dầu trên thị trường châu Á đi xuống, trước triển vọng sản lượng dầu mỏ của Libya sẽ được khôi phục, sau khi phe đối lập tiến sâu vào thủ đô Tripoli. Giá dầu sau đó lại tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 23/8 trên thị trường châu Á, sau khi lực lượng nổi dậy tại Libya tuyên bố đã giành chiến thắng, song con trai của Moamer Gaddafi tuyên bố cha của ông vẫn đang nắm quyền lãnh đạo đất nước. Còn trong phiên 26/8, giá dầu tăng trên cả hai sàn New York và London, do nhận định Libya phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để khôi phục lại các cơ sở sản xuất dầu mỏ. Trong phiên giao dịch gần đây vào ngày 20/10, giá dầu đã có những biến động không đồng nhất ngay sau khi có thông tin nhà lãnh đạo Libya Gaddfi bị bắn chết. Đóng cửa phiên trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 giảm 81 xu xuống 85,30 USD/thùng. Trong khi đó tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ lại tăng thêm 1,38 USD lên 109,76 USD/thùng. Có những đồn đoán cho rằng cái chết của ông Gaddafi có thể sẽ khiến hoạt động khai thác dầu ở Libya tăng tốc trở lại, nguồn cung có thể được cải thiện. Mặc dù cái chết của ông Gaddafi chỉ có tác động rất nhỏ tới giá dầu hiện tại, song đã giúp loại bỏ một trong các nhân tố rủi ro đối với hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Libya, giúp thị trường dầu thế giới ổn định hơn. Trước khủng hoảng chính trị, Libya xuất khẩu 1,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, trong đó phần lớn xuất sang châu Âu. Lượng dầu xuất khẩu của Libya đã bị giảm sút mạnh khi xung đột chính trị xảy ra, khiến dầu thô Brent trở nên "nhạy cảm" hơn dầu ngọt nhẹ giao dịch tại thị trường Mỹ. Hai năm để khôi phục sản lượng Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Libya, Shukri Ghanem, nhận định quốc gia Bắc Phi này sẽ phải mất 2 năm để khôi phục sản lượng dầu mỏ về mức trước khi xảy ra xung đột. Libya có thể sản xuất 400.000 thùng dầu/ngày vào cuối năm nay, song số dầu này chủ yếu được sử dụng cho nhu cầu nội địa. Còn theo Reuters, phải mất một năm nữa Libya mới có thể đưa sản lượng dầu mỏ về mức 1 triệu thùng/ngày, trước khi quay lại mức trước nội chiến trong 2 năm tới. Thúc đẩy trở lại các hoạt động của ngành dầu mỏ là trọng tâm hàng đầu của chính quyền Tripoli sắp tới và tương tự như những gì đã diễn ra tại Iraq, Libya cũng sẽ cần đến các công ty nước ngoài để xây dựng lại các giàn khoan, các nhà máy lọc dầu, các đường ống dẫn dầu để đưa ‘vàng đen” của Libya ra thế giới bên ngoài. Ngành dầu mỏ Libya cũng phải cần đến kỹ thuật và nhân lực của quốc tế. Libya sẽ cần khoản đầu tư ước khoảng 100 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để xây dựng hạ tầng cơ sở bền vững./.