Liên Hợp quốc cảnh báo nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng cao

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một phân tích mới nhất của Liên Hợp quốc (LHQ), lượng khí thải hiện tại của các quốc gia đã cam kết hạn chế biến đổi khí hậu vẫn sẽ khiến hành tinh ấm lên gần 3 độ C trong thế kỷ này.

Báo cáo Khoảng cách phát thải hàng năm - đánh giá lời hứa của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu so với những gì cần thiết - cho biết thế giới đang phải đối mặt với sự nóng lên từ 2,5-2,9 độ C so với mức tiền công nghiệp nếu các chính phủ không tăng cường hành động vì khí hậu.

Ở mức nóng lên 3 độ C, các nhà khoa học dự đoán thế giới có thể phải đối mặt một số mốc thảm khốc mà không thể quay trở lại nữa, từ sự tan chảy nhanh chóng của các tảng băng cho đến rừng nhiệt đới Amazon bị khô cạn.

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ sớm gặp nhau tại Dubai (Ấn Độ) để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của LHQ COP28, với mục đích duy trì mục tiêu giữ mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris.

Nhưng báo cáo mới của LHQ không cho thấy hy vọng rằng mục tiêu này vẫn đạt được, khi kết luận rằng lượng khí thải nhà kính làm hành tinh nóng lên sẽ phải giảm 42% vào năm 2030 mới có thể duy trì sự mức tăng 1,5 độ.

Lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đã tăng 1,2% trong giai đoạn 2021 - 2022. Ngay cả trong kịch bản phát thải lạc quan nhất, cơ hội hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ cũng chỉ là 14%, trở thành bằng chứng khoa học cho thấy mục tiêu của Thỏa thuận Paris đã thất bại.

Tuy nhiên, thế giới đã có nhiều tiến bộ kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua vào năm 2015, khi mà các dự báo về sự nóng lên của Trái đất dựa trên lượng khí thải vào thời điểm đó là cao hơn nhiều so với hiện nay.