Dự án nêu trên được Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) phê duyệt viện trợ không hoàn lại với giá trị 30,2 triệu USD. Đây cũng là dự án viện trợ không hoàn lại thứ ba được GCF tài trợ và UNDP hỗ trợ kỹ thuật.
Dự án do Bộ NN&PTNT điều phối và được triển khai bởi 5 tỉnh tham gia dự án là: Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa trong giai đoạn 6 năm 2021 - 2026. Sáng kiến mới này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 222.400 phụ nữ và nam giới ở 5 tỉnh này (khoảng 10% dân số của các tỉnh) hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi hiện đại hóa, cải thiện an ninh nguồn nước và các lựa chọn sinh kế, nâng cao kiến thức về rủi ro khí hậu...
Ngoài ra, hơn 335.000 phụ nữ và nam giới cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc nâng cao năng lực thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật; được tăng cường tiếp cận thông tin về rủi ro khí hậu và phổ biến rộng rãi các thực hành tốt nhất về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
“UNDP rất tự hào về quan hệ đối tác hiệu quả với Việt Nam trong việc huy động nguồn tài chính khí hậu quốc tế nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các cộng đồng vùng dễ bị tổn thương. Dự án này cùng bổ trợ thúc đẩy một dự án khác của GCF mà UNDP đang hỗ trợ triển khai về xây dựng năng lực chống chịu bão lũ của các cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương tại 28 tỉnh ven biển” - Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nói.
Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định dự án sáng tạo này sẽ giải quyết các vấn đề quan trọng của an ninh nguồn nước cho các nông hộ quy mô nhỏ. Đồng thời, hỗ trợ đắc lực cho người nông dân, nhất là phụ nữ, người dân tộc thiểu số và nông hộ nghèo trong việc chống chịu tốt hơn với các rủi ro từ biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng đối với sản xuất nông nghiệp...