Tờ Washington Post cuối ngày 7/11 đưa tin, Tehran đã chuẩn bị đầy đủ mọi kỹ năng và thiết bị để chế tạo bom hạt nhân nếu muốn. Theo cựu quan chức IAEA David Albright, IAEA đã thu thập thông tin tình báo từ nhiều nguồn và xác định Iran "có đủ dữ liệu để thiết kế và sản xuất một thiết bị nổ hạt nhân, sử dụng uranium làm giàu". Tờ báo này cũng cho biết, theo các nhà ngoại giao và chuyên gia hạt nhân phương Tây từng xem xét các tin tức tình báo, thì Iran đã tiến hành các bước chủ yếu nhằm khắc phục những khó khăn kỹ thuật với sự trợ giúp của các nhà khoa học nước ngoài.
Ngày 8/11, báo RIA của Nga cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sửa đổi và gia hạn thêm lệnh trừng phạt tài chính nhằm vào Iran được Mỹ soạn thảo và ban hành từ năm 1979. Giải thích cho động thái này, ông Obama cho biết: "Do mối quan hệ của chúng tôi (Mỹ) và Iran chưa trở lại bình thường và quá trình thực hiện các thỏa thuận này vẫn đang tiếp diễn và có hiệu lực đến ngày 14/11/2011". Mỹ trước đó đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran năm 1979 khi các sinh viên Iran chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt cóc 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Và lần này, Mỹ đã có sẵn kế hoạch giới thiệu các biện pháp trừng phạt chống lại Iran lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) lhq.
Các nhà ngoại giao cho rằng, báo cáo mới của IAEA có thể làm tăng thêm những hoài nghi rằng Tehran đang tìm cách phát triển khả năng chế tạo bom nguyên tử. Thời điểm đưa ra báo cáo này chỉ vài tuần sau khi Mỹ cáo buộc Tehran âm mưu ám sát Đại sứ Arập Xêút tại Washington. Iran đã kịch liệt bác bỏ lời cáo buộc của Mỹ, song vụ việc này lại làm dấy lên đồn đoán về khả năng HĐBA LHQ ra nghị quyết trừng phạt mới đối với Iran.
Đụng chạm
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ giới phân tích cho rằng, có ít khả năng HĐBA LHQ sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn mới đối với Iran. Lý do là bởi Trung Quốc và Nga - các đồng minh truyền thống của Tehran có quyền phủ quyết bất kỳ dự thảo Nghị quyết nào của HĐBA LHQ - không muốn trừng phạt ngành dầu mỏ và khí đốt của Iran. Do vậy, HĐBA LHQ sẽ khó lòng áp đặt các lệnh trừng phạt mới được cho là cứng rắn hơn. Để vận hành nền kinh tế đang phát triển nhanh của mình, Trung Quốc hiện phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ năm thế giới.
Do vậy, những hy vọng của Mỹ về một nghị quyết mới trừng phạt Iran của HĐBA LHQ dường như sẽ không trở thành hiện thực, ít nhất là bởi nhiều nước hoài nghi về những lời cáo buộc của Mỹ đối với Iran.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng, nếu HĐBA LHQ không hành động, thì Mỹ và các đồng minh ở châu Âu có thể sẽ theo đuổi các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Iran. HĐBA LHQ có thể bổ sung thêm vài cái tên cá nhân và tổ chức của Iran vào danh sách cấm đi lại hay bị phong tỏa tài sản. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng những biện pháp như vậy sẽ chỉ mang tính tượng trưng.