Liên kết “4 nhà”: Giải pháp đưa công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị cao và bền vững được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

 Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất được xem là khâu cốt lõi cần thiết.
Giá trị nông sản công nghệ cao đạt 25%

Những năm qua, nhiều cơ sở trên địa bàn Hà Nội đã mạnh dạn ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình là việc sử dụng giống mới có năng suất cao, chăn nuôi trong chuồng trại khép kín, có hệ thống điều khiển nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng. Đối với nuôi trồng thủy sản, sử dụng giống lai, công nghệ vi sinh xử lý ô nhiễm môi trường. Trong trồng trọt, sử dụng giống nuôi cấy mô tế bào, hệ thống tưới tiết kiệm. Ngoài ra, khâu sơ chế, chế biến bảo quản nông sản sau thu hoạch bằng công nghệ bao gói hút chân không, bảo quản lạnh…

Mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại Công ty CP KMS, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng

Đến nay, Hà Nội đã triển khai được 89 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, đồng thời xây dựng, phát triển thành công 20 nhãn hiệu nông sản tập thể. Đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, giá trị của sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC của Hà Nội hiện đạt khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC nhìn chung cho năng suất cao hơn những mô hình canh tác truyền thống từ 10 - 12% và hiệu quả kinh tế tăng từ 25 - 28%. TP đang hướng tới mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm khoảng 35% tổng giá trị các ngành hàng nông nghiệp của Thủ đô.

Nâng cao hiệu quả liên kết

Cụ thể hóa các mục tiêu ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng, tiến tới đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Trung tâm Giống thủy sản CNC tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ), Trạm thực nghiệm sản xuất giống cây trồng CNC tại xã Hòa Bình (huyện Thường Tín), Trạm thụ tinh nhân tạo sản xuất tinh bò chất lượng cao, tinh bò phân ly giới tính và tinh dịch lợn cao sản tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm… Những trung tâm sáng tạo trên sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, ứng dụng CNC là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu phát triển nền nông nghiệp CNC theo đúng định hướng, Hà Nội còn đối diện với nhiều thách thức về tập quán sản xuất, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực hay nguồn lực đầu tư. Để từng bước tháo gỡ những rào cản trên, ông Nguyễn Xuân Đại cho rằng, nâng cao hiệu quả liên kết “4 nhà” (Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp) là giải pháp quan trọng, có vai trò cốt lõi trong việc tạo ra những chuỗi giá trị sản xuất ứng dụng CNC.

Theo đó, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, các địa phương tiến hành rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Ông Đại cũng kỳ vọng, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm công nghệ tiên tiến, có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn với giá thành hợp lý. Các DN mạnh dạn hơn nữa cho đầu tư phát triển nông nghiệp, gắn kết chặt chẽ với người nông dân, hướng tới tạo ra những chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giá trị cao và bền vững.

Bên cạnh rà soát, đổi mới cơ chế chính sách theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, Hà Nội cần sớm phê duyệt quy hoạch phát triển cho các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt gây mất cân bằng cung - cầu thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, huy động được đa dạng nguồn lực cho phát triển nông nghiệp CNC…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng