70 năm giải phóng Thủ đô

Liên kết sản xuất khoai tây vụ Đông: Bớt nỗi lo được mùa mất giá

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để khuyến khích trồng cây vụ Đông, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Sau một năm triển khai, mô hình cho hiệu quả vượt trội, là động lực cho người dân phát triển sản xuất.

Ưu tiên giống chất lượng
Thực tế hiện nay, bà con nông dân không mặn mà với ruộng đồng do chi phí sản xuất cao, trong khi giá trị thu nhập thấp. Nhiều địa phương có tình trạng bỏ ruộng hoang, đặc biệt là diện tích cây vụ Đông. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã chủ động thí điểm nhiều mô hình, đưa những giống năng suất cao vào sản xuất. Trung tâm còn là cầu nối giữa các DN với bà con nông dân để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nghiệm thu mô hình khoai tây Barabel tại Phù Lưu, Ứng Hòa
Vụ Đông năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã liên kết với Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt triển khai mô hình khoai tây Marabel trên tổng diện tích 100ha tại một số huyện như Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa… Khoai tây Marabel là giống nhập nội từ Đức đã được Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT công nhận, có thời gian sinh trưởng từ 85 – 90 ngày. So với các loại cây trồng khác, Marabel có nhiều lợi thế cả về năng suất và chất lượng.

Là một trong những đơn vị tham gia mô hình, ông Dư Đình Huyên - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phù Lưu Hạ, Ứng Hòa nhận xét: Giống khoai tây Marabel chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, có khả năng kháng bệnh tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Dù là năm đầu triển khai trồng nhưng nhờ được tư vấn kỹ thuật từ phía DN và Trung tâm Khuyến nông nên năng suất trung bình đạt từ 25 – 30 tấn/ha, cao gấp 2 lần so với những giống khoai tây truyền thống trồng ở địa phương hiện nay. Về chất lượng, củ nhẵn, ít mắt, to, đẹp, ruột vàng, ăn ngon hơn, được thị trường rất ưa chuộng. Ông Huyên cũng khẳng định, từ vụ Đông 2018 trở đi, 100% cán bộ và xã viên trong HTX Phù Lưu Hạ sẽ trồng giống khoai tây mới này thay thế cho giống cũ ở địa phương.

Đảm bảo đầu ra sản phẩm

Dưới sự định hướng của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Công ty An Việt đã triển khai chương trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Cụ thể, đơn vị chủ động cung cấp giống Marabel nguyên chủng nhập khẩu từ Đức, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm trên đồng ruộng cho bà con nông dân. Khi gặp rủi ro trong sản xuất, có những chính sách hỗ trợ kịp thời để chia sẻ với bà con. Ngược lại, nông dân và chính quyền địa phương cũng phải cam kết đồng hành để hướng tới hiệu quả cao nhất.

Một trong những điều khoản có lợi với bà con nông dân nhất là Công ty ký hợp đồng mở, có chế độ linh hoạt trong việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Theo đó, Công ty ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá sàn là 8.000 đồng/kg, bên cạnh đó nông dân có thể bán hàng ra thị trường nếu ngoài thị trường có giá thành cao hơn. Thực tế ở các địa phương hiện nay, sau khi thu hoạch khoai tây Marabel, toàn bộ sản phẩm được các thương lái đến tận ruộng thu mua với mức giá từ 10.000 – 14.000 đồng/kg.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Thành công của mô hình ngoài nâng cao thu nhập cho bà con nông dân còn góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển phong trào sản xuất cây vụ Đông trên toàn TP. Bên cạnh đó, liên kết trong sản xuất, góp phần giải quyết nỗi lo được mùa mất giá cho bà con, hướng tới một nền sản xuất ổn định. “Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân, chuyển giao khoa học kỹ thuật, là cầu nối kết nối giữa người dân với các DN để tìm kiếm những giống mới, có năng suất, chất lượng cao, nâng cao thu nhập” – bà Hương khẳng định.