Liên minh chiến lược: Đào tạo nhân lực AI từ gốc
Kinhtedothi - Mới đây, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật mã và trường Đại học FPT đã thành lập Liên minh nhân lực chiến lược nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm số của khu vực vào năm 2045.

Lễ ký kết và ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57. Ảnh: NH.
Liên minh nhân lực chiến lược được thành lập với sứ mệnh đào tạo một thế hệ nhân sự không chỉ giỏi chuyên môn mà còn am hiểu công nghệ, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để triển khai hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết 57. Các thành viên trong liên minh, bao gồm những cơ sở giáo dục hàng đầu, sẽ phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, đặc biệt tập trung vào việc ứng dụng AI trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bảo hiểm và quản lý đô thị.
Theo PGS.TS Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội - Môi trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Liên minh có vai trò bao phủ để triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cho tới các kỹ sư, người thực thi.
Nhấn mạnh tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025, ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ: Trí tuệ nhân tạo AI không chỉ là một ngành công nghiệp mà còn là nền tảng hạ tầng cho mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu tham vọng của Nghị quyết 57, ông Tú cho rằng Việt Nam cần tập trung vào hai yếu tố cốt lõi: tự chủ công nghệ AI và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trích dẫn
Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam-Asia DX Summit 2025) với chủ đề "Làm chủ công nghệ - đột phá, vươn mình", do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, diễn ra tại Hà Nội vào 27/5-28/5. Diễn đàn bàn thảo với các chuyên đề gỡ nút chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, phát triển hạ tầng số, sản xuất xanh - thông minh; khai sức mạnh của AI, của tài nguyên dữ liệu số; hợp tác trong khu vực châu Á trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và biến động địa chính trị...
Hiện, FPT đang thử nghiệm mô hình "lớp học đảo ngược" để đào tạo nguồn nhân lực AI tại các trường cấp 2, cấp 3 thuộc hệ thống giáo dục của tập đoàn. Mô hình này nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng AI cần thiết, sẵn sàng tham gia vào thời đại số ngay từ sớm.
Trong "lớp học đảo ngược", các em học sinh được hướng dẫn tư duy, tự tìm hiểu AI, cách sử dụng công cụ AI ở nhà rồi trình bày trên lớp, giáo viên chỉ đóng vai trò phản biện. "Lớp học đảo ngược" được xem là phương tiện tiềm năng để tăng cường sự tham gia của sinh viên, cải thiện kết quả học tập và thích ứng với bối cảnh giáo dục đang thay đổi.

Ảnh minh họa.
"Chúng tôi muốn xây dựng nguồn nhân lực AI chất lượng cao từ trên ghế nhà trường, giúp các em trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc cách mạng công nghệ" - ông Vũ Anh Tú nhấn mạnh.
Trích dẫn
Khái niệm về "lớp học đảo ngược" (Flipped Classroom) xuất hiện hay được nêu ra bởi các nhà nghiên cứu ở Mỹ. "Lớp học đảo ngược" là mô hình học tập ngược lại với mô hình học tập truyền thống. Trong mô hình này, sinh viên sẽ học bài trước khi lên lớp thông qua các video quay sẵn, tài liệu hỗ trợ, đôi khi là các cuộc thảo luận trực tuyến và chuẩn bị câu hỏi, chủ đề thảo luận. Sau đó, khi lên lớp, sinh viên đặt các câu hỏi để giảng viên giải đáp; cùng làm bài tập và thảo luận nhóm… để hiểu sâu và mở rộng kiến thức.
Để làm chủ cuộc đua AI, theo chuyên gia, Việt Nam cần học hỏi từ những mô hình thành công của các nước, tận dụng mã nguồn mở để cải tiến và phát triển các giải pháp AI phù hợp với bối cảnh trong nước. Tuy nhiên, một thách thức lớn được đặt ra là sự thiếu hụt dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và bảo hiểm, do quá trình chuyển đổi số chưa được triển khai đồng bộ và sâu rộng.
Đại diện FPT kiến nghị, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm để tạo ra nguồn dữ liệu chất lượng, từ đó xây dựng các sản phẩm AI mang dấu ấn Việt Nam. Ngoài ra, vai trò của hạ tầng tính toán AI là rất quan trọng. Với hạ tầng hiện tại của FPT, thời gian huấn luyện và thử nghiệm AI đã được rút ngắn đáng kể từ 45 ngày xuống chỉ còn 1 ngày, mở ra tiềm năng giải quyết các bài toán lớn cho đất nước trong tương lai gần.
Với sự hợp sức của các cơ sở giáo dục hàng đầu và sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ, Liên minh nhân lực chiến lược hứa hẹn là động lực quan trọng thúc đẩy Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm AI khu vực. Việc kết hợp giữa đào tạo nhân lực, tự chủ công nghệ và xây dựng hạ tầng tính toán mạnh mẽ sẽ là chìa khóa để Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, những nỗ lực này không chỉ góp phần thực hiện Nghị quyết 57 mà còn tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số.

Trí tuệ nhân tạo - Động lực đột phá đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao quốc gia
Kinhtedothi - Ngày 9/5, UBND thành phố tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo - Động lực mới phát triển Đà Nẵng” tại Cung Hội nghị quốc tế Furama, với sự tham dự của gần 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trí tuệ nhân tạo - Chìa khóa xây dựng tòa soạn thông minh
Kinhtedothi - Sáng 15/5, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh". Đây là một trong chuỗi sự kiện của Báo Kinh tế & Đô thị được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Cơ hội cho Việt Nam phát triển năng lượng, hàng không vũ trụ, công nghệ và trí tuệ nhân tạo
Kinhtedothi - Trong chuyến công tác tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo các Tập đoàn Excelerate, Lockheed Martin, Space X và Google để tăng cường hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không vũ trụ, công nghệ và trí tuệ nhân tạo