Ninh Bình ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch
Kinhtedothi - Ninh Bình đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng ứng dụng du lịch thông minh, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách và cải thiện công tác quản lý của ngành.
Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, Ninh Bình đã đầu tư hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch đồng bộ, đây là những nền tảng cơ bản để thu hút khách du lịch tới Ninh Bình.
Đặc biệt, từ khi Chính phủ phát động chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngành du lịch Ninh Bình nhanh chóng tiếp cận, quan tâm tới công tác ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành.
Nhận định được vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong công tác phát triển du lịch, ngành du lịch đã không ngừng đổi mới sáng tạo nắm bắt xu hướng phát triển, cập nhập, ứng dụng các phần mềm tiên tiến trong công tác quảng bá giới thiệu du lịch Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn.
Theo kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch Ninh Bình hướng đến mục tiêu năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, góp phần đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ninh Bình đang từng bước ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động du lịch, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách.
Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống thông tin số để nâng cao trải nghiệm du khách và quản lý du lịch hiệu quả, như ứng dụng di động cho du khách - các điểm đến đã phát triển ứng dụng di động cung cấp thông tin chi tiết về điểm tham quan, dịch vụ và các tính năng đặt vé, thanh toán trực tuyến, giúp du khách lập kế hoạch thuận tiện hơn.
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), tỉnh đã ứng dụng công nghệ VR và AR tại một số điểm du lịch như Tràng An và Tam Cốc-Bích Động, giúp du khách khám phá các điểm đến một cách sống động trước khi đến.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch tỉnh đã xây dựng hệ thống thông tin số, triển khai Tổng đài hỗ trợ khách du lịch trực tuyến và lắp đặt trạm hỗ trợ du khách tại các khu du lịch lớn của tỉnh.
Cùng với đó, Ninh Bình triển khai phần mềm hướng dẫn viên du lịch ảo và Chatbot AI để hỗ trợ du khách trong việc tìm kiếm thông tin nhanh chóng và hiệu quả; tích cực quảng bá trên các nền tảng số, giúp tiếp cận đối tượng khách hàng rộng rãi và đa dạng như website: sodulich.ninhbinh.gov.vn – dulichninhbinh.com.vn; app du lịch: Ninhbinhtourism.infor; kênh Ấn tượng du lịch Ninh Bình trên Facebook và Youtube.
Theo ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Ninh Bình (Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình), đến nay, đơn vị đã xây dựng phần mềm thuyết minh du lịch ảo Chatbox AI đưa vào sử dụng và đã tạo lập gần 100 tài khoản cho các doanh nghiệp để đưa dịch vụ trên phần mềm du lịch thông minh của ngành; triển khai marketing trên 7 nền tảng số của mạng xã hội; xây dựng hơn 120 clip quảng bá với hơn 7 triệu lượt tương tác. Đơn vị cũng tích cực phối hợp với các kênh marketing lớn như Amazing Things xây dựng các clip và chiến dịch quảng bá, có những chiến dịch đã thu hút hơn 3 triệu lượt tương tác và theo dõi.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá du lịch còn tồn tại hạn chế như nội dung quảng bá chưa đa dạng, chưa tận dụng tối đa công nghệ mới và tính kết nối với khách du lịch chưa cao.
Để thực hiện tốt và hiệu quả công tác chuyển đổi số du lịch trong thời gian tới, Ninh Bình xác định cần tập trung vào một số giải pháp như thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các nghị quyết, chương trình của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, tạo mối gắn kết chặt chẽ với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam để nắm bắt kịp thời thông tin, chính sách, thể chế pháp luật để vận hành công tác chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch một cách chính xác, khoa học, bắt kịp thời đại.
Tập trung phát triển marketing điện tử phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, khai thác triệt để lợi thế quảng bá du lịch từ Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, TikTok, mở rộng hơn nữa công nghệ, phần mềm số hiện đại…
Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ làm du lịch, chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, mở các khóa tập huấn về kỹ năng chuyển đổi số, cách sử dụng công cụ truyền thông số, khai thác dữ liệu và xây dựng nội dung quảng bá hình ảnh thương hiệu du lịch ninh bình đến du khách…
Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch sẽ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội. Đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách, trong đó 2,5-3 triệu khách quốc tế và 10 triệu khách nội địa. Đến năm 2045, Ninh Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong top 10 điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Để thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, du lịch số, coi đây là đòn bẩy cho ngành du lịch phát triển bền vững hơn.

Ninh Bình: ứng dụng chuyển đổi số góp phần nâng cao giá trị sản phẩm
Kinhtedothi - Xác định xây dựng nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện nay nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số, tạo thị trường rộng lớn, nâng cao sản lượng hàng hóa cũng như giá trị sản phẩm.

Chuyển đổi số trong tác nghiệp báo chí hiện đại - góc nhìn từ báo Kinh tế và Đô thị
Kinhtedothi - Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trở thành một đòi hỏi tất yếu trong tác nghiệp báo chí. Điều này đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí và những người làm báo, mà trước tiên là đội ngũ phóng viên phải thay đổi tư duy.

Công cụ chuyển đổi số hữu hiệu trong vận tải hành khách công cộng
Kinhtedothi - Thẻ vé điện tử liên thông là phương tiện kết nối quan trọng, tạo nên mô hình vận tải đa phương thức để người dân có thể sử dụng mọi loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thuận tiện nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng VTHKCC vẫn có thể trở nên dễ dàng hơn nữa nếu dùng mã QR code hoặc ví điện tử để thanh toán trực tiếp thay cho thẻ vé liên thông.