Ninh Bình: ứng dụng chuyển đổi số góp phần nâng cao giá trị sản phẩm
Kinhtedothi - Xác định xây dựng nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện nay nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số, tạo thị trường rộng lớn, nâng cao sản lượng hàng hóa cũng như giá trị sản phẩm.
Trong nền công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Chuyển đổi số mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại Ninh Bình, giúp phát huy hiệu quả kinh tế cao. Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, chủ động đầu ra, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm. Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá, đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng...
Tỉnh Ninh Bình hiện có 209 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, các ngành chức năng đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn các chủ thể xây dựng video, livestream trên các nền tảng số. Qua đó, giúp các công ty, hợp tác xã (HTX), chủ thể tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, góp phần nâng cao doanh thu cho chủ thể, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Huyện Kim Sơn sở hữu nhiều sản phẩm OCOP độc đáo, mang đậm nét đặc trưng văn hóa và kinh tế địa phương như cói Kim Sơn, gạo nếp Bắc, thủ công mỹ nghệ từ cói, và các sản phẩm chế biến nông sản. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 37 sản phẩm OCOP, trong đó 27 sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện, 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, bảo đảm tính minh bạch, giúp khách hàng dễ nhận diện sản phẩm OCOP, tạo niềm tin khi tiêu thụ sản phẩm.
HTX Thủy sản Văn Hải (huyện Kim Sơn) đã nâng cấp website, thành lập đội ngũ chuyên gia bán hàng; nghiên cứu thị trường nhằm đưa sản phẩm OCOP 3 sao “Tôm khô đại dương” của HTX lên các sàn thương mại điện tử có lượng người mua lớn như TikTok, Shopee. Từ đó tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của HTX cũng như mở ra những thị trường tiêu thụ mới.
Đến nay, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP trên địa bàn huyện Kim Sơn đã ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh như: chủ động xây dựng trang web, sử dụng thư điện tử, phần mềm kế toán, ứng dụng hình thức thanh toán điện tử, chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhiều chủ thể OCOP chuyển đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang phương thức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada.

Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia (xã Gia Lâm, huyện Nho Quan) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia (xã Gia Lâm, huyện Nho Quan) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Công ty là đơn vị quản lý Công viên trà hoa vàng Ninh Bình, là nơi sưu tầm và bảo tồn nguồn gen trà hoa vàng quý của Việt Nam. Đến nay, Công ty đã sưu tầm, bảo tồn được 32 loài, với vùng nguyên liệu 7 ha; có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh là trà hoa vàng 50 gam, trà hoa vàng Vũ Gia túi lọc 20 gam, trà hoa vàng Cúc Phương và trà hoa vàng Vũ Gia 20 gam, đinh lăng Vũ Gia.
Việc Công ty ứng dụng chuyển đổi số vào quảng bá sản phẩm đã giúp nhiều khách hàng biết đến, khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn; giảm chi phí thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng… Đặc biệt, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Trung bình mỗi tháng Công ty cung ứng ra thị trường 150kg sản phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương. Hiện nay, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử của Công ty chiếm 40-50%.
HTX Mật ong núi đá Xích Thổ (huyện Nho Quan) cũng là điển hình trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. HTX đã đầu tư máy tách thủy phần, máy hạ thủy phần trong sản xuất mật ong. Máy có tác dụng chiết xuất, loại bỏ các tạp chất trong mật ong giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm. Việc đưa máy móc tiên tiến thay thế thiết bị thủ công truyền thống đã tạo ra sản phẩm mật ong thiên nhiên, chất lượng. Song song với bán hàng truyền thống, HTX còn bán hàng trực tuyến trên TikTok, Zalo, Facebook hiệu quả. Mỗi năm, HTX bán trên 10 tấn mật, trong đó qua kênh bán trực tuyến khoảng 60-70%. Năm 2025, cùng sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, HTX đang xây dựng sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP.
Đẩy mạnh chuyển đổi số đang được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội. Để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế số, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 142/ KH-UBND ngày 31/8/2021 về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tỉnh Ninh Bình nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, chuyển đổi số đã giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, từ đó đưa sản phẩm Ninh Bình vươn ra thị trường thế giới.

Huyện Đan Phượng: lan tỏa chuyển đổi số đến từng người dân
Kinhtedothi – Chiều 19/5, UBND huyện Đan Phượng tổ chức tổng kết đợt thi đua cao điểm phát triển công dân số “Cuộc đua luyện AI” trên địa bàn huyện năm 2025.

Các hợp tác xã ở Ninh Bình ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế
Kinhtedothi - Nhờ thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều hợp tác xã (HTX) ở Ninh Bình đã nhanh chóng tiếp cận kết nối quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.

Công cụ chuyển đổi số hữu hiệu trong vận tải hành khách công cộng
Kinhtedothi - Thẻ vé điện tử liên thông là phương tiện kết nối quan trọng, tạo nên mô hình vận tải đa phương thức để người dân có thể sử dụng mọi loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thuận tiện nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng VTHKCC vẫn có thể trở nên dễ dàng hơn nữa nếu dùng mã QR code hoặc ví điện tử để thanh toán trực tiếp thay cho thẻ vé liên thông.