Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Công cụ chuyển đổi số hữu hiệu trong vận tải hành khách công cộng

Kinhtedothi - Thẻ vé điện tử liên thông là phương tiện kết nối quan trọng, tạo nên mô hình vận tải đa phương thức để người dân có thể sử dụng mọi loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thuận tiện nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng VTHKCC vẫn có thể trở nên dễ dàng hơn nữa nếu dùng mã QR code hoặc ví điện tử để thanh toán trực tiếp thay cho thẻ vé liên thông.

Phổ biến và không mất chi phí

Hà Nội vẫn đang vừa vận hành hoàn thiện hệ thống thẻ vé điện tử liên thông - một tấm thẻ sử dụng chung cho mọi loại hình VTHKCC như: đường sắt đô thị (ĐSĐT), xe buýt, xe đạp công cộng… Thẻ vé điện tử liên thông cũng là một trong những điều kiện quan trọng nhất góp phần hình thành VTHKCC đa phương thức của TP. Tuy nhiên, nó vẫn là một tấm thẻ vật lý phải mang theo bên mình hoặc cài đặt ứng dụng trên thiết bị di động thông minh, vẫn có những bất tiện nhất định đối với người dân khi sử dụng VTHKCC; tốn kém chi phí in ấn cấp, đổi… Thẻ vé liên thông đang đặt ra cho Hà Nội nhiều vấn đề cần tính toán như: chi phí đầu tư ban đầu vào hệ thống sản xuất, phát hành, và quản lý thẻ vé liên thông là một gánh nặng tài chính đáng kể. Loại hình thẻ vé vật lý cũng thiếu linh hoạt, ít có khả năng tùy biến hoặc tích hợp với các dịch vụ khác ngoài VTHKCC. Bên cạnh đó, những chiếc thẻ vé điện tử cũng còn tiềm tàng những rủi ro như mất mát hoặc hư hỏng thẻ vé, gây phiền toái và tốn kém cho người dân khi đi lại và mua đổi lại. Thẻ vé liên thông vật lý thường chứa rất ít dữ liệu dù việc thu thập và phân tích dữ liệu từ vé vật lý thường phức tạp và kém hiệu quả hơn.

Nhân viên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sử dụng máy bán vé điện tử cầm tay. Ảnh: Tiến Mạnh

Trong khi đó, thời gian qua khi mạng lưới xe buýt Hà Nội bắt đầu áp dụng quy trình quét mã QR code để thanh toán tiền vế, hình thức này đã cho thấy sự tiện lợi hơn hẳn so với thẻ vé thông thường. Mã QR code và ví điện tử đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam. Từ quán ăn về hè đến siêu thị lớn, việc thanh toán bằng mã QR và ví điện tử (như MoMo, ZaloPay, Viettel Money, VNPay...) đã vô cùng phổ biến. Người dân không cần mang theo tiền mặt hay thẻ vật lý, cũng không cần cài đặt ứng dụng bắt buộc nào, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể thực hiện giao dịch nhanh chóng. Việc tích hợp phương thức này vào hệ thống VTHKCC sẽ giảm bớt sự rườm rà của việc mua vé, giữ vé, hay lo lắng mất vé. Mặt khác, hệ thống vé liên thông thường đòi hỏi chi phí đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng với: máy đọc thẻ, máy in vé, hệ thống quản lý thẻ, chi phí sản xuất và phát hành vé vật lý, cũng như chi phí bảo trì và vận hành. Trong khi đó, việc triển khai thanh toán bằng QR code hay ví điện tử có thể tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin và thiết bị di động sẵn có của người dân. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành định kỳ cho nhà cung cấp dịch vụ giao thông. Hơn nữa, việc loại bỏ vé vật lý cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải từ dịch vụ VTHKCC.

Hà Nội đang phải đầu tư rất lớn cho hệ thống thẻ vé liên thông trong VTHKCC để có thể kết nối toàn diện các loại hình. Nếu sử dụng mã QR code hoặc ví điện tử, khoản đầu tư này có thể tiết kiệm được ngay lập tức, người dân cũng có thể sử dụng luôn dịch vụ giống như mọi hoạt động mua sắm thông thường hằng ngày mà không phải làm quen với bất kỳ sự thay đổi nào trên hệ thống VTHKCC.

Góp phần hình thành “xã hội số”

Cùng với thế giới, nước ta đang bước vào kỷ nguyên số với những thay đổi cực kỳ mạnh mẽ, tái lập nhiều “giao thức” giao tiếp, hoạt động của mỗi cá nhân, cộng đồng thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin. Hà Nội cũng đang trên tiến trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng “xã hội số” với “công dân số”. Việc ưu tiên thanh toán bằng QR code và ví điện tử trong VTHKCC sẽ là một bước đi quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của quốc gia và Thủ đô Hà Nội. Nó không chỉ góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông, VTHKCC mà còn khuyến khích người dân làm quen và sử dụng các công nghệ số trong đời sống hằng ngày, tạo tiền đề cho sự phát triển của một xã hội không tiền mặt, một cộng đồng số với những tiện ích tối đa được mang lại từ ứng dụng công nghệ ngay trên nền tảng sẵn có.

Một trong những vấn đề lớn nhất của Hà Nội hiện nay là sự kết nối giữa các dịch vụ VTHKCC, hoặc ngay trong mạng lưới của từng loại hình riêng biệt. Theo quy hoạch Hà Nội sẽ có 15 tuyến/đoạn tuyến ĐSĐT, hiện đã có 2 tuyến số 2A và 3 đi vào hoạt động; 153 tuyến xe buýt; 140 trạm cho thuê xe đạp công cộng, với khoảng hơn 13.000 xe taxi. TP cũng đặt mục tiêu trong 5 -10 năm tới sẽ tăng cường năng lực vận chuyển của hệ thống VTHKC từ 19% hiện nay lên 50 - 55%. Với quy mô như vậy, để có một tấm thẻ vé liên thông sử dụng được cho tất cả các tuyến ĐSĐT, xe buýt, xe đạp công cộng, taxi… là không dễ dàng, đòi hỏi tốn kém chi phí cũng như thời gian nghiên cứu, điều chỉnh, thiết lập. Trong khi đó, mã QR code và ví điện tử còn có khả năng tích hợp linh hoạt với nhiều hệ thống và dịch vụ khác. Chẳng hạn, người dùng có thể nạp tiền vào ví điện tử thông qua ngân hàng, liên kết với các chương trình khuyến mãi, hoặc thậm chí sử dụng cho các dịch vụ khác ngoài giao thông. Điều này tạo ra một hệ sinh thái thanh toán đa dạng và tiện ích, không chỉ giới hạn trong việc di chuyển. Trong tương lai, việc thanh toán qua ví điện tử có thể mở rộng sang các dịch vụ như thuê xe đạp công cộng, gửi xe, hay thậm chí là mua sắm tại các trạm dừng.

Hơn nữa, khi thanh toán bằng QR code hoặc ví điện tử, mọi giao dịch đều được số hóa và ghi lại. Điều này mang lại lợi ích lớn trong việc thu thập dữ liệu về hành vi di chuyển của người dân, giúp các nhà quản lý giao thông hiểu rõ hơn về lưu lượng khách, các tuyến đường cao điểm, và thói quen sử dụng dịch vụ. Dữ liệu này cực kỳ quan trọng để tối ưu hóa lộ trình, điều chỉnh tần suất chuyến, và nâng cao chất lượng dịch vụ. So với thẻ vé liên thông vật lý, việc thu thập và phân tích dữ liệu từ thanh toán điện tử dễ dàng và chính xác hơn rất nhiều. Có thể thấy, trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và thói quen thanh toán điện tử đã phổ biến, việc duy trì hệ thống thẻ vé liên thông tốn kém trong VTHKCC cho thấy đã không còn tối ưu. Thay vào đó, việc chuyển đổi sang thanh toán bằng QR code hoặc ví điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích vượt trội về tính tiện lợi, tiết kiệm chi phí, quản lý hiệu quả, và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Đây là một hướng đi khả thi, tích cực và hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích tức thời cho người dân cũng như TP, rất đáng để nghiên cứu, xem xét.

Xe ben "vô tư" đi ngược chiều trên đường giao thông

Xe ben "vô tư" đi ngược chiều trên đường giao thông

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
CSGT Bình Dương tịch thu xe tự chế không có giấy tờ hợp pháp

CSGT Bình Dương tịch thu xe tự chế không có giấy tờ hợp pháp

23 May, 09:53 AM

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương, trong hai ngày 21 và 22/5/2025, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 15 trường hợp xe ba gác, xe tự chế vi phạm các lỗi như không có giấy phép lái xe, không có chứng nhận đăng ký xe, chở hàng cồng kềnh, quá khổ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Thu nộp phạt giao thông để đầu tư hạ tầng, công nghệ

Thu nộp phạt giao thông để đầu tư hạ tầng, công nghệ

23 May, 05:10 AM

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, sở dĩ nhiều ý kiến cho rằng mức phạt vi phạm giao thông quá cao không mang đến hiệu quả tích cực là do chưa hiểu rõ về các khoản chi từ nguồn thu này. Để người dân hiểu và ủng hộ, cần làm rõ việc chi từ nguồn thu nộp phạt giao thông là để tăng cường hiệu quả cho chính công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ