Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên tiếp ca mắc cộng đồng, TP cần Thơ dịch ở cấp độ 4

Trà Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành phố Cần Thơ tự đánh giá đang ở cấp độ dịch 3, tuy nhiên do không đạt tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine, nên áp dụng cấp độ dịch trên địa bàn thành phố là cấp 4.

Ngày 1/12, Đoàn của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Cần Thơ.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP cần Thơ.

Số ca nhiễm cộng đồng liên tiếp tăng

Báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, từ ngày 8/7/2021 đến nay, TP liên tục ghi nhận các ca mắc trong cộng đồng. Tính đến 17h ngày 30/11, TP đã ghi nhận 26.385 F0, trong đó có 6.205 ca trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 23,5%, đã điều trị khỏi 12.529 ca (chiếm 47,5%), tử vong 200 ca (chiếm 0,75%). Riêng ngày 30/11, TP ghi nhận thêm gần 1000 ca mắc mới.

TP tự đánh giá đang ở cấp độ dịch 3, tuy nhiên do không đạt tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine, nên áp dụng cấp độ dịch trên địa bàn thành phố là cấp 4. Về năng lực xét nghiệm, hiện TP có 13 cơ sở xét nghiệm với công suất tối đa hơn 8.200 mẫu đơn/ngày. TP đã triển khai cách ly F1 và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà. Tính đến ngày 30/11, số người cách ly tại nhà là 21.769 người, trong đó có 9.994 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Sở Y tế đã áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng, trong đó gần 300 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện tầng 3.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh nêu rõ, bên cạnh những nỗ lực thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt đã đạt bao phủ tiêm chủng mũi 1 cho 97% người dân trên 18 tuổi và mũi 2 cho 86% người dân.

Hiện Cần Thơ hiện đang triển khai điều trị F0 tại nhà với các gói thuốc A,B, C. Lực lượng y tế tại các trạm y tế phường rất mỏng, TP đã kích hoạt 83 trạm y tế lưu động và thành lập thêm 62 trạm y tế lưu động với sự trợ giúp nhân sự của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp, nhưng số F0 sử dụng thuốc này chưa nhiều. Trong những ngày qua, số lượng ca mắc mới tăng nhiều, số ca cần cấp cứu có xu hướng tăng. Bí thư Lê Quang Mạnh cho biết, Cần Thơ cần Bộ Y tế hỗ trợ trong điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.

Giám sát chặt dịch tại khu vực đông người

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, số lượng ca mắc mới tại Cần Thơ trong thời gian gần đây là mối quan ngại lớn của Chính phủ và ngành y tế. Thứ trưởng cho rằng, việc tăng ca nhiễm đã được tiên liệu trước, tuy nhiên khi đã tiến hành bao phủ vaccine với tỷ lệ cao và có thuốc đặc trị, thì phải giảm tỉ lệ bệnh nhân nhập viện, giảm số ca trở nặng và giảm số lượng tử vong.

Về đánh giá cấp độ dịch của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP Cần Thơ xem xét lại tỷ lệ người trên 50 tuổi đã được tiêm vaccine, nếu đã đủ 80% người trên 50 tuổi được tiêm vaccine thì hạ cấp độ dịch xuống cho phù hợp với tình hình dịch thực tế.

Tăng cường giám sát dịch tễ, Thứ trưởng đề nghị tăng cường giám sát dịch tại các địa bàn, các khu vực tụ tập đông người, các đầu mối giao thông, các doanh nghiệp, nhà máy để phát hiện sớm để tách F0 khỏi cộng động. Tại các bệnh viện phải được đảm bảo an toàn, đặc biệt các khoa có bệnh nhân dễ bị tổn thương như khoa bệnh phổi, khoa lão, khoa sản... phải theo dõi tầm soát cao hơn. Các nhân viên y tế cũng cần được ưu tiên tầm soát để đảm bảo an toàn điều trị bệnh nhân.

Về công tác xét nghiệm: Thứ trưởng yêu cầu khi địa phương đã thực hiện bao phủ 2 mũi vaccine có thời gian đủ 2 tuần sau mũi tiêm thứ 2, thì việc xét nghiệm không nên lặp lại nhiều lần. Đảm bảo xét nghiệm hợp lý, hiệu quả, khoa học, tiết kiệm chi phí.

Vấn đề điều trị, Cần Thơ đang có hệ thống điều trị tầng 3 khá tốt bao gồm một số bệnh viện, TP cần áp dụng mô hình bệnh viện chị-em để chuyển tuyến hợp lý. Về việc điều trị F0 tại nhà, Cần Thơ triển khai tương đối nhanh, cần đẩy hỗ trợ F0 tiếp cận dịch vụ y tế và thuốc Molnupiravir nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Cần Thơ hiện mới được Bộ Y tế cấp tổng cộng 30 nghìn viên Avigan (Favipiravir), có thể triển khai ngay đến các F0.

Trước đó đoàn đã kiểm tra công tác vận hành trạm y tế lưu động điều trị F0 tại nhà tại phường An Cư, quận Ninh Kiều; điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại quận Ninh Kiều và công tác giám sát dịch tễ và cách ly ca nghi nhiễm tại Nhà máy của Công ty Taekwang ở khu công nghiệp Hưng Phú.