Thu giữ, tiêu hủy, xử phạt có lẽ sẽ chỉ kiểm soát được “phần ngọn”, “gốc rễ” của vấn đề nằm ở chính ý thức người tiêu dùng và lương tâm của các các chủ hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.
Chú ý đối tượng nghiện rượu
Theo thống kê của Cục ATTP, Bộ Y tế, trong giai đoạn từ năm 2007 đến tháng 3/2017, cả nước xảy ra 58 vụ ngộ độc do rượu không an toàn làm 382 người mắc và 98 người chết. Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu phổ biến nhất là do rượu trắng (chiếm 42,9%), tiếp đến là rượu ngâm thuốc (chiếm 36%), rượu ngâm củ ấu (chiếm 16%), rượu ngâm động vật như ong đất, tắc kè (chiếm 10,7%). Riêng trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận tới 28 ca ngộ độc rượu chứa methanol, trong đó 4 người đã tử vong. Theo điều tra, phần lớn các ca ngộ độc rượu trên đều là các đối tượng có tiền sử nghiện rượu. Tiêu biểu như 2 trường hợp ngộ độc mới nhất vào cuối tuần qua. Đó là ông Bùi Duy Phương (50 tuổi, quận Ba Đình) được gia đình xác nhận thường xuyên uống rượu. Còn bệnh nhân Nguyễn Văn Khánh (41 tuổi, quận Đống Đa) được xác nhận tiền sử nghiện rượu, viêm gan C, đái tháo đường tuýp II và nghiện ma túy.
Điều đáng nói, những đối tượng nghiện rượu trên thường sử dụng rượu mà không kiểm soát kỹ nguồn gốc, rượu rẻ tiền tại các hàng quán nhỏ lẻ. Trong khi đó, loại rượu có giá dưới 10.000 đồng/lít thường được pha thêm cồn công nghiệp, thậm chí chỉ là nước pha với cồn công nghiệp. Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long khẳng định, rượu nấu thông thường có thể có phát sinh hàm lượng methanol nhưng hàm lượng này không đủ lớn để có thể gây ngộ độc. Những vụ ngộ độc methanol vừa qua đều là do người sản xuất rượu chủ ý pha methanol vào, hàm lượng methanol rất cao. Tại địa bàn của 2 bệnh nhân bị ngộ độc nói trên, chính quyền địa phương đã ráo riết vào cuộc. Kiểm tra, thu giữ hàng ngàn lít rượu không rõ nguồn gốc, tuyên truyền trên loa phường, phát tờ rơi đến tay người dân nhưng vẫn có đối tượng “bỏ ngoài tai” nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc này.
Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhấn mạnh, song song với các biện pháp thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, các địa phương từ cấp quận đến phường phải huy động các tổ chức xã hội cùng vào cuộc, tuyên truyền phố biến đến người dân về mối nguy hại của rượu không rõ nguồn gốc, chú trọng đến các gia đình đối tượng có tiền sử nghiện rượu. “Đồng thời, các đoàn kiểm tra phải chú ý, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra các quán cơm, quán nước vỉa hè, các hàng tạp hóa nhỏ lẻ có bán rượu. Đây chính là những “đầu ra” chính của các loại rượu rẻ tiền” - ông Chung cho hay.
Kiểm soát tận gốc
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Nguyễn Văn Việt, việc quản lý rượu dân tự nấu đang có vấn đề. “Luật của chúng ta khá đầy đủ, quy định cơ sở sản xuất rượu phải được cấp giấy phép, cơ sở bán rượu phải bán rượu có nhãn mác đầy đủ. Tuy nhiên, với hàng trăm nghìn hộ nấu rượu thủ công thì việc cấp phép là rất khó. Không thể có cơ quan nào kiểm soát hết việc một bác nông dân hoặc một bà đồng nát nhưng về nhà lại tự nấu vài lít, vài chục lít rượu… bán chơi, lại sản xuất theo kiểu “nay nấu mai bỏ”. Ông Việt kiến nghị, qua kiểm tra nếu phát hiện cơ sở bán rượu không có nguồn gốc thì phải dẹp bỏ ngay lập tức, không cho phép bán rượu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, để quản lý tận gốc vấn đề thì cần có biện pháp quản lý được hóa chất methanol hiệu quả hơn: “Cần phải “bôi” xanh methylen (màu xanh) đánh dấu methanol là độc hại để người dân biết, đồng thời cũng khiến những kẻ muốn sử dụng methanol để làm giả rượu cũng không thể sử dụng được”.
Ngày 10/4, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc khẩn với UBND quận Ba Đình và UBND quận Đống Đa về tình trạng ngộ độc rượu có methanol trên địa bàn. Sáng cùng ngày, Bộ Y tế cũng tổ chức hội thảo về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử trí và điều trị ngộ độc rượu có methanol. |