Nguyên nhân hàng đầu
Đi sai làn đường là lỗi vi phạm giao thông khá phổ biến và thường xảy ra trên các tuyến đường đông đúc hay phần đường có nhiều làn đường phức tạp. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tâm.
Khuya ngày 1/12, tại Km92+00 quốc lộ 12B, khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình, ô tô đầu kéo BKS 19H-040.xx kéo theo rơ moóc BKS 19R-018.xx do P.T.H (SN 1981, trú quán tiểu khu 5, thị trấn Phong Châu, huyện Phú Ninh, tỉnh Phú Thọ) điều khiển đã xảy ra va chạm với 1 xe máy chở 3 người đi ngược chiều. Hậu quả 3 người đi xe máy tử vong tại chỗ.
Lực lượng CSGT Công an huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình xác định, nguyên nhân ban đầu do tài xế xe đầu kéo không đi về bên phải theo chiều đi của mình (đi lấn sang phần đường xe ngược chiều khoảng 1,3m) gây tai nạn giao thông.
Rạng sáng ngày 2/12 cũng tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình, đoạn Km110+77m quốc lộ 6 thuộc địa phận xóm Trọng Phú, xã Phong Phú, xe khách BKS 27B-100.xx do N.V.D (SN 1982, trú tại thôn Duyên Long, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) điều khiển, xảy ra va chạm với xe máy BKS 28E1-160.xx. Vụ tai nạn khiến 3 người trên xe máy tử vong.
Lực lượng chức năng xác định, lái xe khách đã có hành vi vượt ẩu, đi không đúng phần đường (đi sang hẳn phần đường dành cho xe ngược chiều) dẫn đến tai nạn.
Chiều ngày 4/12, tại km189+100 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, xe ô tô tải BKS 29H-790.xx do H.H.G. (SN 1994, ở Sóc Sơn, Hà Nội) điều khiển, phụ lái N.T.N. (SN 2004) đi theo hướng Lào Cai - Nội Bài đã xảy ra va chạm với xe ô tô tải BKS 21H-008.xx do Đ.V.C. (SN 1990, ở Văn Yên, Yên Bái) điều khiển, phụ lái C.T.A. (sinh năm 1984) đi theo hướng ngược lại. Hậu quả vụ tai nạn khiến 2 người đi trên xe ô tô BKS 29H-790.xx tử vong tại chỗ; 2 người đi trên xe 21H-008.xx bị thương.
Cục CSGT thông tin, qua điều tra bước đầu xác định, đoạn đường cao tốc xảy ra vụ tai nạn không có dải phân cách cứng ở giữa, lái xe tải BKS 29H-790.xx đi không đúng làn đường quy định dẫn tới tai nạn.
Đi sai làn đường không chỉ gây ra rối loạn giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Căn cứ theo khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi Điểm d Khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển xe ô tô đi không đúng phần đường bị phạt từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng.
Nếu phạm lỗi đi sai làn đường gây tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng; đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. Đối với trường hợp người điều khiển xe máy đi sai làn đường hoặc phần đường, mức phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.
Nếu người điều khiển xe máy vi phạm lỗi sai làn đường và gây tai nạn thì mức phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, người điều khiển ô tô gây tai nạn sẽ phải bồi thường thiệt hại và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nỗ lực từ nhiều phía
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, nguyên nhân xuất phát từ việc một bộ phận người tham gia giao thông có tâm lý chủ quan, coi thường luật lệ.
Bên cạnh đó, một số trường hợp đi sai làn đường xuất phát từ việc người tham gia giao thông thiếu kiến thức và kỹ năng lái xe cần thiết nên tại các nút giao phức tạp dễ đi sai làn. Việc sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị khác cũng khiến lái xe giảm tập trung dẫn đến đi sai làn.
Ngoài ra, tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, có lái xe lợi dụng việc tại một số khu vực, lực lượng chức năng không đủ người để kiểm soát tuyến đường, hệ thống camera giám sát chưa được lắp đặt rộng rãi dẫn đến khó phát hiện và xử lý các trường hợp đi sai làn nên cố tình vi phạm.
Nêu ví dụ về việc Luật Giao thông đường bộ tại Việt Nam và các nước phát triển đều quy định rõ ràng và nghiêm ngặt về việc đi sai làn đường, tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc thực hiện ở nước ngoài nghiêm minh hơn Việt Nam là do có một số điểm khác biệt.
Đầu tiên là mức độ nghiêm trọng của hình phạt tại nước ngoài thường cao hơn so với Việt Nam. Tiếp theo là các cơ quan thực thi luật pháp tại các nước này có quyền hạn lớn và được trang bị các công cụ hiện đại để giám sát và xử lý các vi phạm giao thông. Hơn nữa, tại các nước phát triển, việc giáo dục giao thông được coi là một phần quan trọng của hệ thống giáo dục.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, để nâng cao chất lượng giao thông và giảm thiểu tai nạn cần có sự nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía. Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông; các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và xử phạt nghiêm minh; có thể xem xét việc tăng mức phạt đối với hành vi này để tăng tính răn đe.
Đồng thời cần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, sử dụng công nghệ hỗ trợ như: giám sát giao thông thông minh, ứng dụng di động giúp cảnh báo và hướng dẫn lái xe, hay các biển báo điện tử có thể giúp người dân tuân thủ quy định giao thông một cách tốt hơn.
Cục CSGT, Bộ Công an tiếp tục khuyến cáo người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần tìm hiểu, nắm vững và chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng phần đường, làn đường; tuân thủ các quy định về tránh, vượt xe khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuyệt đối không phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu để đảm bảo ATGT cho bản thân và người khác cùng lưu thông trên đường.