Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu có nảy sinh hiện tượng “chạy” điểm?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong công thức xét công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đưa ra tại Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, ngoài điểm thi 4 môn tối thiểu (3 môn bắt buộc và một môn tự chọn), còn bao gồm điểm trung bình học tập các môn lớp 12 của thí sinh.

Mặc dù ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định, cách thức này có thể đảm bảo thí sinh thi bằng kiến thức đã được truyền thụ, tránh  tình trạng “học lệch”, song rất nhiều người lo ngại cách tính điểm này có thể làm nảy sinh hiện tượng “chạy” điểm ở cấp THPT.

Đúng là với 8 môn thi (3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ bắt buộc và 5 môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học tự chọn), động lực thúc đẩy thí sinh học đều các môn là có thật, thậm chí còn có thể xóa bỏ được quan niệm môn chính, môn phụ tồn tại khá lâu nay. Song câu hỏi mà nhiều người đặt ra là các nhà quản lý giáo dục sẽ kiểm soát điểm số thế nào để đảm bảo đó là kết quả thực chất của thí sinh ở cấp THPT. Như phân tích của một giảng viên ĐH, với điểm xét tốt nghiệp theo dự thảo hiện nay là 10 điểm, một thí sinh có điểm trung bình lớp 12 là 7,0, đến khi thi tốt nghiệp, mỗi môn thi chỉ cần 3 điểm, thậm chí trên 2 điểm (trên mức điểm liệt) là đã có thể đỗ. Vậy thì cớ gì mà người ta không thể “lo trước” từ những năm học THPT để chắc cơ hội tốt nghiệp, thậm chí còn có thể là lợi thế khi xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Một giáo viên dạy Văn ở một trường THPT thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thừa nhận, giáo viên hay có tâm lý thương học trò, nên rất có thể xảy ra chuyện “trợ lực” cho một học sinh sức học bình thường có điểm tổng kết lớp 12 đạt 7,0. Đây cũng là chia sẻ của nhiều giáo viên dạy Lịch sử, Vật lý, Sinh học, Hóa học. Hơn thế, giáo viên còn cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá ở mỗi trường, mỗi địa phương chưa đồng nhất, nên nhiều người “chấm rẻ” vì lo học trò của mình sẽ thiệt thòi.

Vậy là vô tình, cách tính điểm theo dự thảo quy chế mới đã biến điểm trung bình các môn ở lớp 12 trở thành “tài sản quý” để TS có thể có thêm nhiều lợi thế khi xét tốt nghiệp, thậm chí trở thành sinh viên. Đồng nghĩa với những nghi ngại về chất lượng giáo dục của năm học cuối THPT. Thế nên, như TS. Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhận định, về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần có các quy định, chế tài mạnh để hạn chế tiêu cực có thể nảy sinh ở các nhà trường, trong đó có việc “chạy” điểm.