Liệu có tăng trưởng bền vững?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm vừa qua kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc dù vẫn giữ được mức tăng trưởng bền vững, song vấn đề xuất siêu, mất cân bằng thương mại vẫn luôn tồn tại, trong đó Việt Nam nhập siêu từ thị trường Trung Quốc.

Để có thể cân bằng cán cân xuất nhập khẩu từ thị trường này đòi hỏi trong thời gian tới các DN Việt Nam hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm sản đã qua chế biến.

Nhập siêu từ Trung Quốc

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2005 - 2014, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng hơn 10 lần (từ mức 2,8 tỷ USD năm 2005 lên mức gần 29 tỷ USD năm 2014). Trong 10 tháng qua các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 13,9 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ, nhưng nhập lại tới 41 tỷ USD hàng hóa, so sánh giữa kim ngạch nhập khẩu với xuất khẩu cho thấy, nhập siêu từ Trung Quốc là khoảng 27 tỷ USD sau 10 tháng năm 2015.
Hoạt động giao thương tại cửa khẩu Lào Cai. 	Ảnh: Hoài Nam
Hoạt động giao thương tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Hoài Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cơ cấu nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Những nhóm hàng này đều đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu 37 nhóm hàng sang thị trường Trung Quốc nhưng chủ yếu là các mặt hàng nông sản và nguyên liệu khoáng sản. Do là sản phẩm thô nên những mặt hàng này có giá trị gia tăng thấp, giá cả lại bấp bênh và thường có xu hướng giảm, giá so sánh tương đối thấp so với các sản phẩm chế biến - chế tạo. Vì vậy, chỉ có nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,72 tỷ USD, các nhóm hàng còn lại đều đạt kim ngạch dưới 1 tỷ USD.

Gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 85% sắn của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, trong khi gạo hiện xuất khẩu vào thị trường này là 35%, cao su 40%... Điều đó cho thấy, Trung Quốc đang là thị trường chủ yếu trong việc tiêu thụ nông sản Việt Nam. Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn cân bằng cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc, trong thời gian tới đòi hỏi các DN điều chỉnh, giảm dần xuất khẩu tài nguyên thô, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm sản đã qua chế biến. Thực tế cho thấy, trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, DN đã gặp không ít khó khăn khi đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật. Ngoài hàng rào kỹ thuật, Trung Quốc yêu cầu hàng Việt Nam khi xuất sang thị trường này buộc phải qua một số cửa khẩu được chỉ định để dễ kiểm soát. Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn khi các thương nhân Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua. Điều này đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Chẳng hạn, tháng 4/2015 hàng trăm xe chở dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã lâm vào cảnh ách tắc do thương lái nước này ngừng thu mua hoặc thu mua nhỏ giọt. Theo TS Nguyễn Minh Phong, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới Chính phủ cần có hành lang pháp lý phù hợp với quốc tế, cần xem xét lại chính sách biên mậu với Trung Quốc để có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản nhập khẩu, đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân để hướng họ vào nền nông nghiệp sạch, an toàn.

Nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường Trung Quốc, tại buổi hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (ngày 5/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị thúc đẩy thương mại hai nước tăng trưởng bền vững, từng bước giảm nhanh nhập siêu của Việt Nam, tăng cường thương mại chính ngạch, quy phạm hóa và quản lý hiệu quả thương mại biên giới. Đồng thời, phía Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông, lâm, thủy sản, trong đó có mặt hàng gạo nhập khẩu nhiều hơn vào Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam tiếp tục mở thêm các Văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc.

Đây là những cơ sở để có thể tin rằng, cùng với việc gia tăng trao đổi thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, cán cân thương mại giữa hai nước có sự cân bằng hơn khi cơ cấu hàng hóa của Việt Nam có những thay đổi khi hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô và gia tăng giá trị các sản phẩm nông, lâm sản, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần