Liệu KTS Group có đứng chân thành công tại thị trường Singapore?

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 16 năm sau khi FPT Software đặt chân lên Singapore và được đánh giá thành công mới đây KTS Group khai trương công ty AIO IT Solutions. Bất ngờ khi Singapore được coi là nơi quy tụ nhiều “ông lớn” về CNTT thế giới lại là thị trường đầu tiên của KTS Group trong chiến lược Toàn cầu hóa .

 KTS Group khai trương AIO IT Solutions tại Singapore . Ảnh TA
KTS Group khai trương AIO IT Solutions tại Singapore . Ảnh TA

Sau khá nhiều đợt khảo sát Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan…giới chuyên môn bất ngờ khi KTS Group sau 5 năm thành lập đã quyết định đầu tư sang thị trường Singapore, quốc gia lọt vào danh danh sách 10 nước phát triển CNTT nhất thế giới.

Miếng bánh hấp dẫn

Thị trường CNTT-TT toàn cầu tại Singapore được định giá 41,76 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 7,9% để đạt giá trị 61,06 tỷ USD vào năm 2026. Cơ hội tạo doanh thu tích lũy cho CNTT-TT tại Singapore Singapore ước tính trị giá 263,25 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2026. Năng lượng là ngành đang đóng góp chính cho sự phát triển của CNTT-TT tại Singapore.

Lương khởi điểm kỹ sư phần mềm tại Singapore khoảng 2.200 USD. Ảnh CNN
Lương khởi điểm kỹ sư phần mềm tại Singapore khoảng 2.200 USD. Ảnh CNN

Tại quốc gia CNTT hàng đầu châu lục dịch vụ CNTT, mở thầu hằng ngày; Chính phủ hoạt động minh bạch và hiệu quả như một tổng công ty lớn. Singapore hội tụ đủ mặt anh tài toàn cầu như: Mỹ có Accenture, Big 4, IBM, HP…; Nhật có NTT, Hitachi, Itochu; Ấn Độ có Tata, Wipro, Infosys…; Trung Quốc có Neusoft, Hisoft…; Singapore có Singtel, StarHub…; …

FPT xuất hiện tại quốc đảo Sư tử này năm 2007 và phải mất tới 7 năm thì FPT Software mới có thể lọt vào danh sách 8 công ty IT đủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ cho các dự án của Chính phủ Singapore. Một thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt.

Phải chăng KTS Group  đã nghiên cứu rất kỹ bước đi của “ông lớn FPT”, tập đoàn CNTT hàng đầu của Việt Nam đến nay đã hiện diện tại 29 quốc gia trên thế giới, cũng chọn Singapore là bước chân đầu tiên khi tiến quân ra thị trường quốc tế. Ngày 13 tháng 3 năm 2007, sau 19 năm thành lập, ông chủ Trương Gia Bình, thành viên sáng lập Công ty FPT đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần Quảng cáo FPT (FPT Promo JSC) và Công ty TNHH Phần mềm Châu Á Thái Bình Dương đặt tại Singapore (FAPAC). Công ty TNHH Phần mềm châu Á - Thái Bình Dương (FAP) của FPT Software lúc đó đã phải đương đầu với 2 khó khăn cực lớn, đó là phát triển khách hàng và nhân sự.

Thực tế cho đến nay nguồn nhân lực chất lượng cao của Singapore, nhất là lĩnh vực CNTT-TT vẫn cực hiếm. Thị trường CNTT-TT Singapore dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8,2% trong 5 năm tới. Singapore là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển công nghệ và luôn đi trước một bước về tiến bộ công nghệ so với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Chính phủ Singapore đã chi 3,8 tỷ SGD (2,8 tỷ USD) cho công nghệ thông tin và truyền thông trong năm tài chính 2022 vừa qua. Con số này đã tăng từ năm tài chính 2020 lên 0,3 tỷ SGD (0,22 tỷ USD). Khoản đầu tư vẫn ổn định trong năm qua khiến Singapore đang là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong đó có các công ty CNTT Việt Nam dù họ thừa biết nguồn lực của mình còn khiêm tốn.

Nền tảng công nghệ Make in Viet Nam liệu có thể đứng chân tại quốc gia hàng đầu về CNTT như Singapore? Ảnh TA
Nền tảng công nghệ Make in Viet Nam liệu có thể đứng chân tại quốc gia hàng đầu về CNTT như Singapore? Ảnh TA

Nhưng cực kỳ khó xơi

AIO IT Solutions của KTS Group phải đối diện nhiều khó khăn khi quyết tâm “mang chuông đi đánh nước người” và người ta đang chờ ông Hoàng Văn Ngọc - Chủ tịch, nhà sáng lập KTS Group đưa ra giải pháp căn cơ và đồng bộ. Trước KTS Group thì VTC và một số doanh nghiệp CNTT khác của Việt Nam đã lâm vào cảnh "mất cả chì lẫn chài" khi “chở củi về rừng” trong việc quyết định đầu tư ngược như một trò chơi mạo hiểm.

Singapore đang vấp phải sự khan hiếm lực lượng lao động lành nghề nhất định và khoảng cách này được dự đoán sẽ tăng lên. Do thị trường lao động được Chính phủ quản lý cực kỳ chặt chẽ, các công ty nước ngoài như KTS Group chỉ dựa vào việc tuyển dụng nhân sự sẵn có sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyên gia PGS.TS Lê Trọng Vĩnh (Đại học KHTN Hà Nội) cho biết: “Muốn thành công, trước hết KTS Group phải xác định mục tiêu và thị trường tiềm năng của mình. Thị trường CNTT-TT Singapore hiện nay được chia theo 3 dạng. Đầu tiên là phân chia theo loại, gồm có Phần cứng, Phần mềm, Dịch vụ CNTT và Dịch vụ Viễn thông. Nếu phân chia theo quy mô doanh nghiệp thì có 2 loại Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Doanh nghiệp lớn, cuối cùng, nếu phân chia theo ngành dọc thì có BFSI (ngành công nghiệp dịch vụ ngân hàng & tài chính, bảo hiểm), CNTT và Viễn thông, dự án Chính phủ, Bán lẻ và Thương mại điện tử, Sản xuất, Năng lượng và Tiện ích”.

Chử tịch, nhà sáng lập KTS Group Hoàng Văn Ngọc (người đang đứng) sẽ hướng tới cộng đồng 13 ngàn người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Quốc đảo Sư tử? Ảnh TA
Chử tịch, nhà sáng lập KTS Group Hoàng Văn Ngọc (người đang đứng) sẽ hướng tới cộng đồng 13 ngàn người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Quốc đảo Sư tử? Ảnh TA

Quy mô và dự báo thị trường được cung cấp dưới dạng giá trị tính bằng triệu USD cho tất cả các phân khúc trên. Dường như AIO IT Solutions sẽ nằm vào phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ điều quan trọng là ông Hoàng Văn Ngọc - Chủ tịch, nhà sáng lập KTS Group và các cộng sự phải sớm xác định được chính xác thị trường mục tiêu của mình.

5 năm qua, tại Việt Nam KTS Group đang có sự phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu dựa trên một nền tảng công nghệ Make in Viet Nam - hệ sinh thái nền tảng số All-in-one thế hệ mới với các tính năng đơn giản, dễ sử dụng. Có rất nhiều chuyên gia phân tích về lý do KTS Group chọn Singapore là quốc gia nước ngoài đầu tiên để đặt trụ sở trong việc đẩy mạnh, phát triển công nghệ mang thương hiệu Việt Nam.

 

AIO IT Solutions sẽ đưa các sản phẩm tốt về cho người dân Việt Nam sử dụng và xuất khẩu sản phẩm Việt ra nước ngoài.

Nếu làm tốt thì có thể ngay trong quý 2 năm 2023 này, các sản phẩm OCOP của Hà Nội sẽ sớm có mặt tại Singapore bởi đơn hàng vận chuyển đã có công ty quốc tế đảm nhận.

Nhiều người cho rằng phát biểu của Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore ông Ravi Menon tại Lễ hội Công nghệ Tài chính Singapore ngày 3/11/2022 khẳng định chính quyền Singapore vẫn muốn trở thành trung tâm các tài sản kỹ thuật số đã khiến cho KTS Group đặt kỳ vọng lớn.

Trong khi đó Thạc sỹ CNTT Phạm Trung Thành lại cho rằng: “Với khoảng cách địa lý không quá xa, giao thương Việt Nam và Singapore lại khá thuận lợi, với thế mạnh về sàn thương lại điện tử, tôi cho rằng ban đầu KTS Group sẽ hướng tới cộng đồng 13 ngàn người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Quốc đảo Sư tử này.

AIO IT Solutions sẽ đưa các sản phẩm tốt về cho người dân Việt Nam sử dụng và xuất khẩu sản phẩm Việt ra nước ngoài. Nếu làm tốt thì có thể ngay trong quý 2 năm 2023 này, các sản phẩm OCOP của Hà Nội sẽ sớm có mặt tại Singapore”.

Tiên phong đầu tư ngược ra thị trường quốc tế,  đến nay FPT có 60.000 nhân sự, trong đó có 3.123 nhân sự  Việt Nam làm việc trực tiếp tại 29 quốc gia trên thế giới. Đội ngũ nhân sự có tuổi trung bình 28, trong đó 47% là Gen Z. Có 1.888 nhân sự là người nước ngoài với 55 quốc tịch làm việc tại FPT. Sau 23 năm đi ra nước ngoài, doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 của FPT Software dự kiến là 1 tỷ USD. Liệu đó có phải là động cơ để KTS Group dấn thân?