Liều thuốc mới cắt "cơn sốt vàng"

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hôm qua 3/6 là ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank và Công ty SJC để những đơn vị này bán vàng trực tiếp cho người dân.

Mua bán vàng tại cửa hàng trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán vàng tại cửa hàng trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Phương án mới này được các chuyên gia đánh giá tích cực, có tính khả thi hơn, hiệu quả hơn so với phương án đấu thầu vàng. Bởi với phương án đấu thầu, sau khi trúng thầu, các DN và công ty vàng sẽ bán ra theo giá tự ấn định, đảm bảo DN có lãi. Điều này đã làm giá vàng không đi đúng với quỹ đạo mà NHNN và Chính phủ mong muốn.

Với việc thay thế bằng phương án cho nhóm Big4 và Công ty SJC bán vàng ra theo chỉ định của NHNN, sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Điểm cốt yếu nhất trong phương án can thiệp mới này là cơ chế giá. Cần xác định cách tiếp cận rõ ràng là các NHTM nhận ủy thác vàng từ NHNN và bán ra thị trường theo giá NHNN quy định.

Trước thềm mở bán trực tiếp cho người dân, NHNN công bố giá vàng cho ngày 3/6 bán cho 4 NHTM Nhà nước và Công ty SJC là 78,98 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 7,45 triệu đồng/lượng cùng thời điểm.

Kỳ vọng của người dân là cách biệt giá vàng trong nước - thế giới về mức 2-3 triệu đồng/lượng. Dù khoảng cách chưa sát với thế giới, nhưng với mức giá dưới 79 triệu đồng, các chuyên gia đánh giá là tương đối hợp lý so với các phiên đấu thầu trước đây. Tất nhiên sẽ có độ chênh nhất định vì cộng thêm thuế, phí và một số chi phí khác nhưng “sẽ không thể cao vô lý".

Với sự tham gia của 5 đơn vị thông qua mạng lưới phòng giao dịch, chi nhánh trên khắp cả nước, tình trạng làm giá trên thị trường sẽ sớm bị xóa bỏ vì nếu vẫn giữ “một mình một giá", người mua sẽ lựa chọn ngân hàng với giá bán thấp hơn.

Thực tế, ngay sau khi NHNN công bố giá bán, giá vàng ở thị trường trong nước lập tức “bốc hơi” gần 2 triệu đồng/lượng so với đầu ngày, giá mua vào còn 79 triệu đồng/lượng - bán ra 81 triệu đồng/lượng. Đến 15 giờ chiều cùng ngày, tiếp tục giảm xuống còn 77,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra 79,98 triệu đồng/lượng. Mức giá này chỉ còn cao hơn 1 triệu so với 78,98 triệu đồng/lượng mà NHNN đưa ra; và cao hơn thế giới gần 9 triệu đồng/lượng. Trong ngày giao dịch trước đó cao hơn giá thế giới là 11 triệu đồng/lượng, và giảm mạnh từ mức 18 triệu đồng/lượng vào tuần trước.

Chỉ cần mỗi lần bán can thiệp, NHNN thu hẹp chênh lệch giá xuống khoảng 1 - 2 triệu đồng, các chuyên gia cho rằng trong khoảng 10 phiên, chênh lệch giá so với thế giới sẽ sớm thu hẹp. Giá bán vàng tới tay người mua cuối cùng càng sát giá thế giới thì càng nhanh kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới.

Tuy vậy phương án này cũng có những khó khăn nhất định. Giả dụ, nếu giá trong nước mà sát giá thế giới, mọi người không có nhu cầu vẫn xếp hàng đi mua thì sao? Đây là một loạt phản biện chính sách mà NHNN cần có lý giải, hơn thế nữa cần có các phương án xử lý nếu nó xảy ra.

Phản ánh từ thị trường, ngay trong chiều 3/6, người dân đến Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vàng khá đông khi giá vàng miếng giảm mạnh thêm gần 2 triệu đồng mỗi lượng.

Giá cả vàng có thể biến động, nhiều hoặc ít. Nhưng quan trọng nhất là lượng giao dịch vàng như thế nào. Nhu cầu để cất trữ/ đầu tư/ đầu cơ… sẽ phản ánh các xu thế kinh doanh khác nhau. Nếu kinh tế tiếp tục duy trì thế ổn định và phát triển, không bao lâu chênh lệch giá vàng sẽ thu hẹp, người dân bắt đầu chuyển qua các kênh khác như gửi tiết kiệm, mua bất động sản, đầu tư sản xuất - kinh doanh… Thực chất, chiều sâu vấn đề chính là bài toán về hiệu quả điều hành nền kinh tế.

Việc cho phép một số ngân hàng bán vàng trực tiếp cho người mua chưa đủ để đảm bảo sự ổn định bền vững, mà cần có thêm biện pháp. Về dài hạn, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, phải xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế mà ở đó, thị trường được tiếp nhận công cụ, dịch vụ theo quy luật cung cầu với các chứng chỉ vàng, các giao dịch vàng tài khoản... sẽ cho thấy các tiện ích vượt trội so với vàng vật chất mà người dân tiếp nhận.

Trong thời gian đợi những điều chỉnh Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các cơ quan chức năng quyết liệt thanh tra một số tổ chức tín dụng và DN kinh doanh vàng về hoạt động kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; lập, sử dụng hóa đơn, chứng từ và thực hiện nghĩa vụ thuế. Dẹp được nạn đầu cơ, đẩy giá bằng công cụ pháp luật để tạo ra thị trường lành mạnh.