Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tượng El-Nino và tác động của biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước.

Cùng với giải pháp về mặt công trình thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách linh hoạt là vấn đề được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm nhằm ứng phó với những tác động trên.

Cây lúa bị “đe dọa”

Vụ Đông Xuân 2015 - 2016 tại các tỉnh phía Bắc tiếp tục được ghi nhận là một vụ Đông Xuân ấm, song lại chịu tác động khắc nghiệt hơn khi xuất hiện đợt rét đậm, rét hại lịch sử gần 40 năm. Điều này không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc với gần 50.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại mà còn làm chậm tiến độ gieo cấy lúa Xuân ở nhiều địa phương. Theo đó, khung thời vụ tốt nhất là trong tháng 2/2016 nhưng nhiều địa phương do mạ bị chết rét, lại thiếu nước nên phải kéo dài vụ cấy tới đầu tháng 3. Nói như ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thời tiết như vụ Xuân năm nay là “cực đoan mà không đài nào đưa ra được dự báo dài hạn”.
Nhiều cánh đồng lúa tại  Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn.
Nhiều cánh đồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn.
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài dai dẳng đang trở thành nỗi lo thường trực của hàng vạn hộ nông dân. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai T.Ư cho thấy, trong tháng 2, hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến gần 26.000ha đất canh tác lúa tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ phải dừng sản xuất. Dự báo tình trạng này còn tiếp tục kéo dài cho đến vụ Hè Thu tới đây và đáng lo ngại hơn, diện tích đất lúa bị ảnh hưởng có thể lên tới hơn 220.000ha. Riêng tại “vựa lúa” Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vụ Đông Xuân 2015 - 2016 có 104.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất và dự báo sẽ tăng lên khoảng 340.000ha trong thời gian tới.

Trước diễn biến của tình hình thời tiết, nhiều chuyên gia lo ngại sản lượng lúa gạo phục vụ xuất khẩu của “vựa lúa” ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Ghi nhận ban đầu, một vài DN đã bắt đầu đắn đo khi quyết định ký hợp đồng xuất khẩu gạo do sợ không đảm bảo đủ số lượng theo đơn hàng khi mùa vụ kết thúc.

Hướng sang cây trồng chịu hạn

Nhận định tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, theo Bộ NN&PTNT, giải pháp về lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn là hoàn thiện hệ thống các công trình thủy lợi đảm bảo đủ năng lực tưới, tiêu. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ một cách hợp lý để tránh hạn, mặn. Đơn cử như vụ Đông Xuân năm nay, diện tích gieo trồng lúa của các tỉnh phía Bắc đã giảm 33.000ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu chuyển từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các cây rau màu khác.

Đối với các tỉnh Nam Trung Bộ và ĐBSCL, cần bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp, đa dạng hóa và phát triển các cây trồng có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, cũng như biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Về sản xuất cây ăn quả, đối với các diện tích cây bị nhiễm mặn thì không tiến hành rải vụ, kéo dài thời gian giữa hai lần tưới. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, quy hoạch, bố trí lại vườn cây ăn trái, cây công nghiệp hoặc chuyển đổi cây trồng là biện pháp hữu hiệu, linh hoạt, áp dụng nhanh, ít tốn kém mà người dân có thể tham gia.

Để định hướng cho các địa phương, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước tiếp tục chuyển đổi khoảng 510.000ha đất lúa sang trồng cây màu, rau, hoa… Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ, không để gieo trồng ngoài kế hoạch ở những khu vực nguồn nước không bảo đảm. Cùng với đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ kịp thời cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.
Ngày 7/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hạn hán và xâm nhập mặn đang là thiên tai nghiêm trọng tại ĐBSCL. Chính phủ sẽ hỗ trợ các địa phương kinh phí để giải quyết các dự án công trình và phi công trình để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể và khôi phục sản xuất cho Nhân dân. Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT và các ngành hướng dẫn kỹ thuật để phát triển thủy sản trong tình hình nước mặn, đồng thời xây dựng những mô hình phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ NN&PTNT, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2016, vụ Hè Thu năm nay, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.