Diễn biến khó lường của giá xăng, dầu
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đại diện một số bộ, ngành cho rằng, cần phải lường hết các khó khăn trong điều hành khi dự báo giá cả một số mặt hàng thiết yếu tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng. Giới chuyên gia kinh tế đánh giá tác động của tình trạng căng thẳng Nga - Ukraine làm xáo trộn thị trường, mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt và khả năng gián đoạn nguồn cung.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nông sản gia tăng. Giá thực phẩm toàn cầu đã lên gần mức cao nhất 10 năm qua. Kết quả là người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn cho xăng và thực phẩm.
Trong nước, trước diễn biến tăng liên tục của giá thế giới, giá xăng, dầu trong nước từ đầu năm đến nay cũng đã có 5 kỳ điều chỉnh tăng. Đối với giá thép, giá phôi thép thế giới có biến động tăng nên từ giữa tháng 2/2022 tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg so với cuối tháng 1/2022. Theo dự báo, giá thép trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi sang quý II, nền kinh tế thế giới được phục hồi sẽ phát sinh nhu cầu rất lớn. Giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nông sản khác cũng có xu hướng tăng giảm khác nhau.
Theo Bộ Tài chính, yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá là giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…
Ngoài ra, tổng cầu hồi phục từ sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế cũng làm tăng áp lực lên mặt bằng giá; chi phí vận tải, logistics... Cùng với đó là những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Trên cơ sở cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá cập nhật 3 kịch bản điều hành giá trong quý II và những tháng còn lại của năm nay.
Theo đó, kịch bản 1 dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 tăng khoảng 3,42% thì CPI tháng 12/2022 so với 12/2021 tăng khoảng 4,9%; kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng khoảng 3,9% thì CPI tháng 12/2022 với tháng 12/2021 tăng khoảng 5,8% và kịch bản 3 là dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng khoảng 4,3% thì CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 tăng khoảng 6,8%.
Triển khai biện pháp quản lý, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu
Nhấn mạnh về dự báo tình hình trong quý II và 10 năm 2022, lạm phát năm 2022 dự báo nhiều áp lực tăng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá, tuy nhiên các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/thùng). Hiện nay giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, "lường trước tình huống xấu hơn" để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Ban Chỉ đạo điều hành giá tiếp tục quản lý, điều hành giá thận trọng, chủ động và linh hoạt, kiên định mục tiêu bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Trong nhóm các mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác điều hành giá xăng, dầu; đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu xăng dầu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước. Cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành theo dõi quản lý giá một số mặt hàng: Điện, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh… theo đúng Văn bản 882/VPCP-KTTH, tránh tình trạng tác động cộng hưởng đối với công tác điều hành giá thời gian tới.
Đối với mặt hàng kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý, bình ổn giá theo quy định.
Phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác. Kiểm soát các lạm phát cơ bản tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát chung.
Phó Thủ tướng cho hay, những tháng gần đây, nhiều chính sách được triển khai rất kịp thời, nhanh chóng. Đơn cử như chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/1 - 31/12/2022 để hỗ trợ các hãng hàng không đang gặp khó khăn do đại dịch (khoảng 1.500 tỷ đồng); việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa…
Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho DN, người dân trong năm 2022, Bộ Tài chính đã báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu đối với 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022. Dự kiến số giảm thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, vẫn có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá như lạm phát năm 2021 ở mức thấp, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá; trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Cùng với đó là nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào, giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ giá ổn định...
Tuy nhiên, những diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược… cần được theo dõi sát để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá. Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ quản lý ngành chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước tăng 0,19%, tháng 2 ước tăng từ 1 - 1,1%; CPI bình quân 2 tháng ước tăng 1,69 - 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Tài chính cho rằng vẫn có nhiều rủi ro trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022, do vậy, tháng 3 và quý II cần tập trung kiểm soát lạm phát để tạo dư địa điều hành cho quý III, quý IV. Bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.