Lo bị phạt chậm nộp, doanh nghiệp đề xuất sửa quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế số 38, đến ngày 30/10 hàng năm, DN phải nộp đủ 75% tổng tiền thuế thu nhập DN (TNDN) cả năm. Tuy nhiên, theo các DN, việc ước tính kết quả kinh doanh vào quý 3 thực sự không chính xác và cần phải sửa đổi quy định để phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp lo lắng 

Theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty Shunhouse (cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai).
Thực tế cho thấy, một số ngành (bất động sản, thương mại, đầu tư...) thường có doanh thu rơi vào cuối năm. Tuy nhiên, không thể dự báo trước doanh thu, lợi nhuận quý 4, do đó nếu nộp thuế trước thì thực sự khó khăn về dòng tiền của DN. Quy định này cũng khiến nhiều DN lo ngại sẽ bị phạt chậm nộp nếu ngành thuế không sửa đổi quy định.
Đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC cho rằng: Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020 quy định DN tạm nộp 75% thuế TNDN và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm, trước ngày 30/10 hằng năm gây nhiều khó khăn cho DN. Việc ước tính kết quả kinh doanh vào quý 3 thực sự không chính xác được.
“Đối với đặc thù của UDIC, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây lắp, doanh thu và lợi nhuận thường được ghi nhận vào cuối năm. Vì vậy, thời điểm hết quý 3 phải nộp 75% thuế TNDN sẽ gây khó khăn cho dòng tiền của DN. Đồng thời, phạt tiền chậm nộp trên số ước tính là chưa hợp lý” – đại diện UDIC nêu ý kiến.
Dưới góc nhìn pháp lý, đồng thời cũng là một DN, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, việc yêu cầu các DN phải tự tính và dự báo trước doanh thu của cả năm là điều không thể. Bởi vì thời điểm 3 tháng cuối năm là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm, có nhiều dịp lễ, tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng… Nên DN không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm.
Đặc biệt, trong 2 năm gần đây các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nên nền kinh tế biến động thất thường. Theo đó việc dự đoán trước doanh thu và lợi nhuận để tính tiền thuế phải nộp cả năm là điều không tưởng. Hơn nữa, việc nộp thuế TNDN cho 3 quý đầu năm chỉ là tạm tính, nên việc yêu cầu các DN tự ước lượng con số chính xác phải chăng là đang gây khó dễ cho DN?
Thứ hai, quy định DN phải tạm nộp trước 75% số thuế thu nhập của cả năm còn làm ảnh hưởng đến động lực sản xuất, kinh doanh của các DN. Bởi vì 3 tháng cuối năm là thời điểm cần tập trung vốn cao độ để DN tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu dự báo quá thấp hoặc vì bất cứ lý do nào mà DN tạm nộp chưa đủ mức 75%, DN sẽ bị phạt chậm nộp trên phần nộp thiếu đó, tính từ 31/10 - 31/1 năm sau, ít nhất là 3 tháng hoặc tới khi DN nộp đủ.
Thứ ba, nếu DN tạm nộp tiền thuế thu nhập DN vượt mức 75% đáng ra DN phải nộp, thì phần nộp thừa đó đối với DN lại là phần vốn bị chiếm dụng mà không được trả lãi suất. Trong khi với DN, bài toán dòng tiền luôn là bài toán khó.
Cần thiết sửa đổi
Để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của DN, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, luật sư Nguyễn Văn Tuấn đề xuất, cần phải sửa đổi quy định này theo hướng tổng số tiền tạm nộp của cả năm vẫn là tối thiểu 80% số quyết toán trong năm, nhưng số tiền thuế tạm nộp của từng quý không được thấp hơn 80%; hoặc tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% tổng số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán thuế của năm trước đó. Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan thuế cần tăng cường trách nhiệm giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm DN không tuân thủ quy định về việc quyết toán thuế TNDN hằng năm để có thể răn đe các DN khác.
Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc sửa đổi quy định là cần thiết. Bởi quy định DN tạm nộp 75% thuế TNDN và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm sẽ không chính xác. Thực tế, nhiều DN kinh doanh theo mùa vụ, lúc này doanh thu tăng cao, lúc kia lại thấp. Nếu không nộp được thì bị phạt. Nên cần thiết xem lại có mức thu, mức nộp cho hợp lý. Vì vậy, có thể xem xét áp dụng quy định ở một số ngành nghề có doanh thu ổn định.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nên lấy mốc nộp báo cáo tài chính của quý 4 để xác định thuế TNDN tạm nộp của một năm theo đúng kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế. Thông thường, báo cáo tài chính quý 4 có hạn nộp là 20/1 năm sau hoặc là ngày cuối cùng của tháng 1 nếu là các tổ chức tín dụng.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, sau khi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, một số DN đã có ý kiến nêu trên. Nhằm tạo thuận lợi cho DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN trong năm 2021. Theo đó, các DN được gia hạn thuế TNDN tạm nộp của quý 1/2021 và quý 2/2021.

Bộ Tài chính cho biết, thực tế, trong quý 2, quý 3 năm 2021 đã có 23 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn kinh tế lớn, tập trung phần lớn các doanh nghiệp nhưng nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh, không phát sinh doanh thu, thu nhập dẫn đến không phát sinh số thuế TNDN phải tạm nộp. Bước sang quý 4/2021, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, các DN dần khôi phục hoạt động, dự kiến sẽ phát sinh số thuế TNDN chủ yếu dồn vào quý cuối của năm.

Để tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, trong đó có điều khoản tạm nộp 3 quý đầu năm nêu trên.

Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP theo hình thức rút gọn, gửi các bộ, ngành tham gia ý kiến để trình Chính phủ ban hành.

Quy định nộp 75% thuế TNDN tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP thực ra chỉ phù hợp với những DN sản xuất kinh doanh ổn định, đều. Dù sao cũng phải nghiên cứu thêm để chỉnh sửa, bổ sung cho hợp lý ở một số lĩnh vực, ngành nghề chứ không thể áp như vậy được. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh