Lộ diện 10 công ty công nghệ Việt Nam uy tín năm 2022

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2022.

Vietnam Report đã thực hiện bảng xếp hạng một cách khách quan, độc lập và căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông và khảo sát ý kiến từ một số đối tượng nghiên cứu cùng các bên liên quan thực hiện trong tháng 6/2022. Top 10 Công ty công nghệ uy tín năm 2022 được công bố theo 2 danh sách.

Viettel là công ty công nghệ uy tín số 1 Việt Nam.
Viettel là công ty công nghệ uy tín số 1 Việt Nam.

Cụ thể, Top 10 Công ty công nghệ thông tin-viễn thông uy tín năm 2022 gồm: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần FPT-Tập đoàn FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty CP Hanel, Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thông tin Điện tử Hàng Hải Việt Nam, Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội.

Cùng với đó, danh sách Top 10 Công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2022 gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phần mềm FPT Công ty CP Misa, Công ty Hệ thống Thông tin FPT, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC, Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông, Công ty Cổ phần Viễn thông-Tin học Bưu điện, Công ty Cổ phần Công nghệ-Viễn thông Elcom, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Phần mềm Tường Minh, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI, Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT.

Với kết quả khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông đều nhận định rằng triển vọng 6 tháng cuối năm 2022 ngành công nghệ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng và một cách toàn diện, tới từng ngóc ngách của đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam hiện nay.

Thêm vào đó, nỗ lực và quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc thúc đẩy “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” cũng được coi là một xung lực quan trọng đối với tăng trưởng ngành trong giai đoạn tới. Để có thể đạt được các mục tiêu của chương trình này, với sứ mệnh quốc gia - các doanh nghiệp công nghệ Việt cần nỗ lực không ngừng, nâng tầm năng lực hướng tới tiêu chuẩn toàn cầu.

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho hay, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 và cải thiện đáng kể so với tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Năm 2021 tổng doanh thu ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) đạt 136,153 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam trong năm 2021 đạt 64.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2020. Về doanh thu CNTT-VT 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 57 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Với sự tăng trưởng doanh thu trong 5 tháng đầu năm, ngành CNTT-VT được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi làn sóng chuyển đổi số tiếp tục diễn ra, đầu tư công nghệ được coi như một nhu cầu tự nhiên, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động vận hành và giảm thiểu chi phí sản xuất trên mọi lĩnh vực.

Dự báo của IDC - Hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin cho thấy, đầu tư vào chuyển đổi số toàn cầu vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023.