Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 13/9:

Lộ diện bóng dáng Tập đoàn Thành Công, cổ phiếu PGBank vọt tăng kịch trần

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 3 cổ đông lớn mới xuất hiện của PGBank đều có bóng dáng của Tập đoàn Thành Công gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty CP Quốc tế Cường Phát, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức. Thông tin này đã kéo cổ phiếu PGB tăng kịch trần.

Khối ngoại tiếp tục xả hơn 1,2 nghìn tỷ, HPG bị bán kỷ lục 

Trong phiên 13/9, chứng khoán phục hồi trong phiên sáng, tuy nhiên áp lực bán từ khối ngoại đã khiến VN-Index rơi khỏi mức tham chiếu. HPG là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với 311 tỷ, sau đó là STB và VHM, KBC đều bị bán ròng hơn 100 tỷ.

Dòng tiền đổ vào nhóm đầu tư công với HHV và FCN rủ nhau tăng trần, ngoài ra LCG và BCG cũng tăng hơn 2% bất chấp thị trường giảm điểm.

Kéo trụ hôm nay là mã GAS của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam khi tăng gần 3%, kéo về cho VN-Index 1,5 điểm. Sắc xanh của nhóm dầu khí cũng góp phần nâng đỡ các chỉ số. Cổ phiếu các mã BSR, PVS, OIL, PVD, PVC, PVS cùng tăng trên 2%.

Ở nhóm vận tải, vượt trội so với các mã GMD, HAH, VOS, cổ phiếu PVT của Vận tải Dầu khí vẫn tiếp tục tăng 1,16% trước thềm chia cổ tức bằng tiền. 2 tuần gần nhất, mã đã tăng gần 23%.

Lộ diện bóng dáng Tập đoàn Thành Công, cổ phiếu PGBank vọt tăng kịch trần - Ảnh 1

Kết phiên chiều 13/9, VN-Index mất hơn 7 điểm, còn 1.238,39 điểm. Thị trường có 346 mã tăng giá, 416 mã giảm giá, 803 mã đứng giá và 24 mã tăng trần. 

3 tân cổ đông lớn của PGBank đều quan hệ "dây mơ rễ má" đến Tập đoàn Thành Công

Trong phiên giao dịch hôm nay, PGB bất ngờ vọt tăng trần sau 2 phiên giảm trước đó, đồng thời trắng bên bán. Cổ phiếu này tăng trần sau khi PGB công bố các báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty CP Quốc tế Cường Phát và Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức hôm 11/9. 

Phiên hôm nay, PGB bất ngờ vọt tăng trần sau 2 phiên giảm trước đó, đồng thời trắng bên bán
Phiên hôm nay, PGB bất ngờ vọt tăng trần sau 2 phiên giảm trước đó, đồng thời trắng bên bán

Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã mua vào 39,3 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,099% cổ phần có quyền biểu quyết tại PGBank. Trong khi đó, Công ty CP Quốc tế Cường Phát và Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức lần lượt nhận chuyển nhượng 40,6 triệu và 40 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,541% và 13,359% vốn điều lệ nhà băng này. Ngày thực hiện giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn tại PGBank của 3 doanh nghiệp là 31/8/2023. Cả 3 doanh nghiệp nói trên là các nhà đầu tư tổ chức mua về 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Số tiền mà cả 3 công ty này bỏ ra là gần 2.568 tỷ đồng.

Điều khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là các tân cổ đông lớn của PGBank đều có mối quan hệ "dây mơ rễ má" với Tập đoàn Thành Công của ông Nguyễn Anh Tuấn. Cụ thể, Công ty CP Quốc tế Cường Phát có Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là ông Nguyễn Văn Mạnh. Doanh nhân sinh năm 1981 này từng là cổ đông sáng lập của Công ty CP Quốc tế PL, pháp nhân do ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai Chủ tịch Tập đoàn Thành Công (TC Group) Nguyễn Anh Tuấn sáng lập và sở hữu vốn.

Trong khi đó, cập nhật tới tháng 5/2022, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức có Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Văn Nhuân (SN 1973). Ông Nhuân từng được biết đến với vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH TCHB – đơn vị do Công ty CP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng sáng lập và sở hữu 100% vốn. Việt Hưng là một thành viên của Thành Công Group, được thành lập bởi Công ty CP Tập đoàn Thành Công (60%), Công ty CP Huyndai Thành Công Việt Nam (25%) và Công ty TNHH TCG Land (15%).

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh do ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ công ty. Ông Nguyễn Tiến Dũng từng có thời gian làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Sản xuất xây dựng CN Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập.

Hạ tuần tháng 4/2023 là thời điểm mà cả 3 pháp nhân kể trên tiến hành tăng vốn mạnh mẽ. Cụ thể, vào ngày 20/4, Công ty CP Quốc tế Cường Phát đã tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 882 tỷ đồng. Tới ngày 28/4, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức cũng tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Cũng trong ngày 28/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Tổng vốn góp tăng lên của 3 doanh nghiệp này là 2.577 tỷ đồng, nhiều hơn đôi chút với số tiền 2.568 tỷ đồng được chi ra để mua vào gần 40% sở hữu tại PGBank của Petrolimex.

Trước đó, Thành Công Group từng sở hữu lượng đáng kể cổ phần ngân hàng Eximbank. Tập đoàn từng đưa bà Lê Hồng Anh, vợ chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn vào hội đồng quản trị nhà băng này. Ngoài ra còn có thêm ông Đào Phong Trúc Đại, là Tổng giám đốc Khu công nghiệp Việt Hưng.

Đầu năm nay, hai đại diện từ Thành Công Group đã rút vốn hoàn toàn khỏi HĐQT Eximbank. Việc thoái vốn khỏi Eximbank diễn ra chưa đầy một năm sau khi ngân hàng này ổn định thượng tầng.